Ông Huỳnh Văn Nén: “Rồi! Trúng mánh rồi!”
“Rồi! Trúng mánh rồi!!!”
Đó là câu nói ông bất giác thốt lên khi biết tin mình được tại ngoại. Nhớ lại khi đó ông kể: “Trước đấy tôi không được báo gì hết. Vào khoảng 4 giờ chiều, điểm danh xong, tôi đang rửa bát thì có người hé lỗ thông gió gọi “Huỳnh Văn Nén thu xếp đồ đạc”. “Rồi, trúng mánh rồi…” tôi chỉ nghĩ được như vậy. Ngay sau đó cán bộ mở cửa báo tôi được tại ngoại, nghe thấy thế tôi chạy vội lại lấy bọc nilon rồi dồn đại vài bộ quần áo chứ không có xếp gì hết, run lắm. Lúc ra ngoài tôi được cho hai điều thuốc rồi cũng móc ra hút sạch một lèo…”.
Ông Nén trao đổi với PV vào ngày 1/12. |
Nhớ lại khoảng khắc này ông Nguyễn Thận (người theo sát vụ án 15 năm, từng là thầy dạy học của ông Nén) cũng rưng rưng xúc động: “Thấy Nén ra tôi mừng quá, vội chạy lại ôm lấy “nó”, rồi thầy trò cùng nghẹn lại, không nói lên lời. Tôi khóc một phần vì thấy Nén được ra nhưng phần lớn là vì những uất ức bị dồn nén lâu nay” – ông nói.
Trong suốt buổi nói chuyện, giọng ông Nén rất rành mạch, rõ ràng, những chi tiết cũng được ông kể lại rất tỉ mỉ. Tuy vậy có thể thấy rằng những ký ức ông đã trải qua vẫn còn đè nặng lên suy nghĩ bởi có những lúc ông mỉm cười mãn nguyện, nhưng nhiều lúc khác ông lại ôm đầu, đôi mày nhíu lại khổ sở.
“Tôi bị ép cung! Họ đánh tôi dữ lắm, đánh cho tôi sợ tưởng sắp chết mà phải ký vào bản nhận tội!” – mắt ông sánh nước. Liền sau đó ông vén ống quần chỉ vào những vét sẹo thâm đen dọc ống chân mà ông cho rằng đó là hậu quả cũng những cú đá thẳng bằng mũi giày ông phải chịu khi lấy cung.
Khung cảnh quê nhà sau 17 năm biền biệt
Trở về sau khoảng thời gian dài đằng đẵng, trừ những khuôn mặt người thân thì mọi thứ với ông đều trở thành xa lạ. Ông thấy mình như bước vào một thế giới khác, mà ở đó những đồ vật đã trở thành thói quen với nhiều người thì với ông lại là thứ ‘hiện đại không tưởng tượng được”.
Thứ biến đổi nhiều nhất có lẽ là khung cảnh xã Tân Minh, những lần nhìn qua ô cửa nhỏ trong vài lần chuyển trại ít ỏi không thể giúp ông hình dung ra sự đổi thay của nơi này. Từ một xã nghèo xơ xác ven Quốc lộ 1A, giờ đây Tân Minh đã trở thành thị trấn. Các căn nhà tranh vách lá lụp xụp khi xưa đã trở thành những ngôi nhà tường, nhà lầu đỏ màu ngói mới.
“Lạ nhất là cái điện thoại. Khi tôi đi thì chỉ thấy độc nhất tía nuôi có cái điện thoại to lắm (bộ đàm), có cái anten trên đầu, dày như thế này này (dùng tay ra hiệu), còn nay thì mỏng lét hiện đại quá chừng, xe cộ cũng nhiều mà đẹp dữ. Mình ở trong đó lâu thành ra lạc hậu quá rồi” – ông thật thà nói và cho biết đến nay mình vẫn không biết cách dùng điện thoại dù chỉ là chiếc “cục gạch”.
Ngay chính ngôi nhà ông ở hiện nay cũng trở nên lạ lẫm vì trước đó gia đình ở ngôi nhà lá cách ít cây số, sau khi ông bị bắt khá lâu vợ con mới tằn tiện, vay mượn để cất ngôi nhà này.
Ngôi nhà ông Nén và gia đình đang ở hiện nay. |
“Trong trại mình cũng nghĩ có thay đổi nhưng không ngờ lại nhiều như vậy. Trước nay con đường này là đường đất, cây cối lụp xụp chứ đâu có được như bây giờ…” – ông chỉ tay ra xung quanh cho biết.
Cũng theo lời ông kể, sau khi vào trại, ông được chuyển qua nhiều nơi. Và cũng như các phạm nhân khác ông lần lượt làm các công việc theo mùa vụ, khi là bóc tách hạt điều, khi đi làm cá xuất khẩu, cũng có khi vác phân, băm đất… Mãi sau này khi sức khỏe yếu, mắt mờ thì ông được phân công làm những việc nhẹ nhàng.
“Mình ở trong phòng cũng phải đúng giờ giấc, nếu không là ăn đòn liền (của “đại bàng” phòng giam)” – ông nhớ lại.
Theo nội quy, trong suốt 17 năm bị giam ông không được dùng các đồ uống “có men” nên cũng từ đó ông đã bỏ được rượu – thứ vốn là “món khoái” trước đây. Chính vì vậy mà giờ đây trong các bữa tiệc (cỗ) ông chỉ nhấp môi chút ít. “Nay mình uống không quen” – ông cười hiền nói.
Khi được hỏi trong tù như vậy ông có thèm gì không thì ông cười lớn nói bằng giọng sảng khoái: “Món mà tôi nhớ nhất là bún bò Huế, đến mức khi được tại ngoại và lên thành phố chữa mắt tôi chỉ ăn mỗi món này”.
“Mình ở tù oan thì cũng sẽ có cái bồi đắp lại danh dự cho mình, tổn thất của gia đình. Tôi cũng có dự định trước tiên là cái mái ấm gia đình, sau đó nếu còn sẽ mua cho con chiếc xe 7 chỗ để nó chạy qua lại kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi cũng không biết phải bồi thường bao nhiêu và tất cả tôi đều nhờ thầy Thận”.