Ông chủ Tân Hiệp Phát cho nhân viên vay hàng trăm tỉ không tính lãi?
![]() |
Hai trong số các bị cáo liên quan đến vụ án |
Tiếp tục vụ án xảy ra tại ngân hàng Xây dựng, ngày 27/7, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, để làm rõ những thông tin xung quanh các cuốn sổ tiết kiệm của các cá nhân thuộc nhóm Trần Ngọc Bích dùng thế chấp, mang tới thế chấp tại ngân hàng Xây dựng (VNCB)
Theo cáo trạng, trong các ngày 20 và 21/12/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Mai Hữu Khương sử dụng sổ tiết kiệm đứng tên ba cá nhân của Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục (nhóm Trần Ngọc Bích) để cầm cố vay 300 tỉ đồng từ VNCB (nhưng không có hồ sơ, chứng từ). Số tiền này sau đó được chuyển cho Phạm Công Danh.
Tại phiên tòa hôm nay, trả lời câu hỏi của VKS, bà Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và ông Trần Hoài Phục đều cho biết mỗi người họ đứng tên các sổ tiết kiệm tổng giá trị trên dưới 100 tỷ tại VNCB.
Cũng theo những người này, đây đều là tiền của ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát) “cho mượn” và không tính lãi, trong khi đó số tiền lãi có được từ các khoản tiền gửi này sau đó lại được chuyển về cho chính ông Thanh.
Về việc thế chấp các cuốn sổ để vay 300 tỷ đồng từ VNCB, cả ba người đều phủ nhận và khẳng định mình không ký bất cứ giấy tờ nào thể hiện điều này. Tuy nhiên những người này lại thừa nhận rằng các cuốn sổ hiện đang bị VNCB nắm giữ.
“Nguyên tắc là chỉ khi vay mới đưa sổ cho ngân hàng, vậy tại sao ông không vay nhưng vẫn đưa sổ cho họ giữ” – VKS hỏi ông Phục và được ông này trả lời rằng “do tin tưởng ngân hàng”.
Khi được yêu cầu trả lời về vấn đề này bị cáo Mai Hữu Khương – Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, người đang bị cáo buộc cho vay 300 tỷ nói trên mà không có chứng từ khẳng định “Nếu không cầm cố thì không có lý do gì ngân hàng giữ sổ của khách hàng”.
Trước đó bị cáo Khương đã nhiều lần khẳng định nhóm Trần Ngọc Bích đã làm hồ sơ vay 300 tỷ nói trên, tuy nhiên do Phạm Công Danh chỉ đạo nên Khương cho “nợ chữ ký”. Cũng theo bị cáo thì nhóm đã cố tình trì hoãn việc trao lại hồ sơ và đến khi bị “thúc ép dữ quá” mới chuyển qua một bản fax có chữ ký của người vay, nhưng vẫn không chịu đưa bản chính.