“Ông bụt, bà tiên” của những đôi uyên ương khuyết tật
Người khởi xướng hoạt động tình nguyện mang nhiều ý nghĩa nhân văn đó là Phùng Tuấn Dũng (30 tuổi), cựu sinh viên trường ĐH Luật TP.HCM. Hiện tại Dũng đang làm nhân viên tư vấn Luật cho một doanh nghiệp nhà nước ở TP.HCM.
Từ những gắn kết yêu thương
Có chứng kiến một buổi chụp hình cưới ngoại cảnh của các thành viên trong nhóm mới thấu hiểu hết được sự vất vả của tất cả mọi thành phần từ người chụp ảnh, trang điểm, hướng dẫn các đôi uyên ương tạo dáng di chuyển đến các khâu hậu kỳ như chỉnh sửa ảnh, rửa ảnh. Vậy mà các thành viên trong nhóm đều làm việc với một tấm lòng và sự nhiệt tình đáng trân trọng. Tất cả cũng chỉ với một mục đích duy nhất đó là làm cho các cặp đôi cô dâu chú rể có những tấm hình đẹp nhất trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời họ.
Những buổi chụp ngoại cảnh nhóm luôn chụp ảnh lưu niệm cùng các đôi uyên ương (Ảnh: NVCC) |
Đối với Dũng và các cộng sự là các tình nguyện viên, việc đem lại nụ cười cho mỗi cặp uyên ương tức là lúc cả nhóm như được lan tỏa một việc làm có ý nghĩa nhất.
Hồi còn là một sinh viên trường ĐH luật, Dũng nổi tiếng là một “cây tình nguyện” của trường. Ngoài đam mê tình nguyện, Dũng còn là một người rất thích chụp ảnh, nhưng vì điều kiện kinh tế việc sắm cho mình một chiếc máy ảnh lên đến hàng chục triệu đồng như là một điều bất khả kháng. Vậy mà cậu sinh viên nghèo vẫn hằng ngày lên mạng, tham gia các diễn đàn về nhiếp ảnh rồi tự thực hành bằng chiếc máy ảnh du lịch nhỏ của mình. Rồi Dũng được truyền nghề từ những bậc “tiền nhân” đi trước để có thể vững tay máy.
Thời gian đó Dũng cũng là một tình nguyện viên sinh hoạt tại trung tâm bảo trợ, chăm sóc người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Thấu hiểu nỗi lòng của nhiều cặp đôi khuyết tật yêu nhau nhưng chưa có đủ điều kiện kinh tế... để có một album cưới cho riêng mình. Vậy là Dũng tập hợp những người bạn cùng chung chí hướng thành lập một nhóm chuyên chụp hình cưới cho người khuyết tật.
“Vạn sự khởi đầu nan” tháng 6-2014 nhóm tình nguyện non trẻ của Dũng chỉ có 2 chiếc máy ảnh chuyên nghiệp và 5 thành viên chuyên chụp ảnh. Để có những bộ đồ cưới cho cô dâu nhóm Dũng đã phải gõ cửa khắp nơi, liên hệ với người thân thuyết phục họ để mượn đồ. Thậm chí Dũng lấy luôn những bộ vest của mình cho các chú rể.
“Việc chụp hình cưới cho người bình thường đã khó, chụp hình cưới cho người khuyết tật còn khó gấp bội phần. Chính vì thế, người thợ ảnh phải làm sao đó cố gắng che giấu đi những khiếm khuyết trên cơ thể họ để có một khung hình đẹp. Nhiều người khuyết tật rất ngại ngùng khi đứng trước ống kinh nên mình phải tạo cho họ sự thoải mái tự tin nhất định để xây dựng được một hình ảnh đẹp qua ảnh”- Dũng chia sẻ.
Niềm hạnh phúc của những đôi uyên ương qua góc ảnh của các tay máy (Ảnh: NVCC) |
Nhớ những lần đi chụp ảnh tại Bình Thuận, sau một buổi “quần thảo” với đủ tư thế để để có một bức hình đẹp cả nhóm nghỉ trưa ngay giữa hiện trường không khác gì những người “ăn nhờ ở bụi”. Chính vì thế cái tên đó cũng là tên nhóm cho đến bây giờ. Còn có những lần nhóm về một vùng quê ở Đồng Nai, chụp hình cho một đôi uyên ương khuyết tật ngay tại vườn nhà họ. “Thực đơn” bữa trưa chỉ là một rổ trái cây ngọt lịm và những những chén cơm dưa cà đạm bạc nhưng tất cả ai cũng đều rất vui.
Đến sự khích lệ tinh thần to lớn
Hoạt động với tôn chỉ tiết kiệm tối đa chi phí, mọi thứ theo Dũng chủ yếu là sự nhiệt tình của những người thợ ảnh. Dù là chụp ảnh miễn phí nhưng những người thợ chụp ảnh trong nhóm phải tuân thủ nguyên tắc “100 chọn 1” tức là trong 100 tấm ảnh chụp chỉ được chọn ra 1 tấm ưng ý nhất để in thành ảnh. Nhiều khi các thành viên trong nhóm phải tự bỏ tiền túi để trang trải cho hoạt động của nhóm.
Tình nguyện viên Nguyễn Thanh Thảo kể: “Suốt trong quá trình đồng hành cùng nhóm mình chỉ mong muốn giúp đỡ những người khuyết tật kém may mắn, tiếp thêm cho họ một động lực để tự tin vào chính mình. Ngoài công việc trang điểm cho cô dâu chú rể mình cũng kiêm luôn côn việc bồng bế, nâng đỡ các cặp uyên ương”.
Để rồi sau những ngày tháng vất vả cùng các cô dâu chú rể thù lao cho cả nhóm là…gà quê, trái cây trong vườn nhà.
Đến nay sau hơn 1 năm hoạt động, nhóm của Dũng đã có tới 15 thành viên chính (Ảnh: NVCC) |
Cô dâu Nguyễn Thị Bích tâm sự: “Mình và ông xã quê ở An Giang, yêu nhau và nên duyên vợ chồng khi là học viên của một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Khi làm đám cưới mình và anh không hề nghĩ là mình sẽ có một bộ ảnh cưới. vậy mà sau một buổi chụp hình món quà của nhóm Dũng đã mang lại cho mình sự bất ngờ không diễn tả được. Lật giở cuốn album xem từng tấm hình cưới mà mình cảm động rớt nước mắt”.
Đối với nhóm TNV, niềm vui họ nhận được khi làm công việc này không chỉ là những món quà đậm chất “cây nhà lá vườn” của các cặp đôi cô dâu chú rể mà lớn hơn hết đó là món quà về tinh thần chất chứa trong mỗi tin nhắn mà nhóm nhận được sau khi trao alum đến tận tay cho các cặp đôi uyên ương. Và đây là một tin nhắn như thế: “Mặc dù ngày vui của em đã qua lâu rồi, nhưng khi nhìn những tấm hình này những cảm xúc của em lại ùa về. Kỷ niệm về những ngày đồng hành cùng các bạn cứ như mới hôm qua thôi. Nó như là một giấc mơ mà em chưa bao giờ nghĩ tới. Gia đình em cám ơn Dũng và cả nhóm đã xuất hiện như những “ông bụt, bà tiên” giúp ước mơ của chúng em trở thành hiện thực”.