Ơi, ba mươi Tết!
Ngày qua ngày, chúng tôi giờ đã lớn, lại nối tiếp phong tục xưa mà làm nên cái Tết cho con cháu mình. Đón Tết nay mà bao ký ức năm xưa cứ ùa về, rưng rưng từng khoảnh khắc. Nhớ nhất vẫn là chiều 30, khi năm mới nhấp nhổm ngoài cửa, còn mọi người tất bật chuẩn bị trong nhà.
Đến ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết vào tháng thiếu), dường như việc quét dọn vệ sinh nhà cửa, mua sắm quần áo mới, thức ăn, vật dụng đã được nhiều gia đình thực hiện xong. Người trong nhà cùng nhau rà soát lại xem còn thiếu việc gì, món gì nữa không, để tranh thủ làm nốt. Quần áo dơ được đem giặt, quần áo sạch được ủi phẳng phiu. Thùng gạo, thùng nước đều được đổ cho đầy, với mong muốn mọi thứ đủ đầy vào năm mới. Thức ăn ba ngày Tết được chuẩn bị sẵn (vì trước đây qua mùng 3 chợ mới nhóm trở lại). Những gia đình nghèo khó như nhà tôi ngày trước, chiều 30 là thời điểm thích hợp nhất để mua sắm Tết, từ thức ăn đến những món linh tinh. Đặc biệt, hoa chưng là thứ được mua trễ nhất. Đơn giản chỉ vì… rẻ. Lúc ấy, bạn hàng nào cũng mong “bán đổ, bán tháo” để nhanh chóng về nhà chuẩn bị Tết. Hàng hóa còn dư, họ tranh thủ bán với giá bèo, giá vốn hoặc bán lỗ (vì trước đó đã lời nhiều) cho hết. Tôi được cha mẹ chở ra chợ, cố lựa trong đống hoa còn sót lại (mà phần nhiều là nở bung hoặc dập gãy) để tìm hai chậu “bảnh” nhất. Nếu cặp chậu hoa trước đó lên đến 60.000-70.000 đồng, thì giờ chỉ còn non nửa. Có màu hoa, căn nhà như sáng bừng lên. Ba mẹ tôi nhìn nhau, đang cười mà nghe nghèn nghẹn ở cổ. Ừ thì mua trễ chút, hoa bớt đẹp một chút, miễn phù hợp với cảnh nhà, chắc Tết vẫn theo về…
30 Tết là ngày sum họp gia đình |
Cúng xong, con cháu lại bê mâm cơm xuống, rồi quây quần ăn bữa cơm chiều. Dù sang dù hèn, dù đông dù ít, bữa cơm vẫn tượng trưng cho sự sum họp gia đình, gắn kết tình thâm họ hàng. Thêm một chút men say, mọi người cùng chia sẻ vui buồn của một năm qua, bày tỏ dự tính trong năm mới. Họ trân trọng từng phút giây hạnh phúc này, bởi sau Tết, mọi người lại chia xa, quay về với cuộc sống riêng tư, ít có dịp tụ họp đông đủ. Dường như không ai nỡ ngủ, mà cùng thức để nghe năm cũ nhè nhẹ bước đi, năm mới rón rén bước về. Thời khắc giao hòa giữa hai năm cũng là lúc lòng người thanh tịnh nhất. Người lớn luôn miệng nhắc nhau giữ mọi thứ tốt lành, tránh cãi cọ, tránh những thứ không may. Có người hàng xóm nào đi ngang nhà, họ niềm nở chào, không quên gửi lời chúc tốt đẹp nhất. Khi đồng hồ điểm 24 giờ, họ lại nhanh chóng thắp nhang trước bàn thờ, xông đất, lì xì, hái lộc đầu xuân. Tết đến!
Tôi thực sự tin rằng, dù cuộc sống có thay đổi đến đâu, cảm giác đặc biệt trong ngày 30 Tết vẫn sẽ vẹn nguyên trong mỗi gia đình. Dẫu nghèo khó đến mức nào, mọi người đều có quyền ước mơ tươi sáng, mong một ngày tốt đẹp hơn. Cũng như tôi, đã từng thả hy vọng bên cạnh chậu hoa kém tươi chiều 30 Tết, để được nhận cuộc sống bình yên hôm nay…
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG/Báo An Giang Online