Nuôi thú cưng- nghề chơi công phu và tốn kém
Ở Tây Ninh, có lẽ chó là loại thú cưng được nhiều người ưa chuộng nhất. Vấn đề là việc chăm sóc những chú chó cưng không hề đơn giản, bởi đa số chúng đều có nguồn gốc ngoại nhập.
Theo lời anh Thành, chú chó bẹc-giê này có giá hơn 200 triệu đồng. |
Tôi có dịp làm quen với người đàn ông nọ khi anh đưa chú chó giống bẹc-giê Đức của mình đến sân banh đối diện Trường THCS Lý Tự Trọng (nội ô Toà thánh). Anh cho biết, ngoài chú bẹc-giê này, ở nhà anh còn 3 chú chó khác giống Bắc Kinh và giống Nhật. Những chú chó luôn mang đến niềm vui cho gia đình anh, ngoài việc giữ nhà, bảo vệ chủ… chúng còn biết làm trò vui cho cả nhà. Cứ mỗi tối khi anh nằm coi tivi là những chú chó tập trung nằm xung quanh trông rất dễ thương. Anh coi chúng chẳng khác những thành viên trong gia đình.
Ngoài việc hằng ngày phải lo cho chúng ăn với thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng như trứng vịt lộn, thịt gà, thịt bò, cho chúng uống thuốc bổ, chịu khó chơi đùa với chúng, dẫn chúng đi dạo, lại còn phải lo cả khâu vệ sinh cho chúng. Rầu nhất là lúc chúng đổ bệnh, lúc đó anh dường như quên tất cả công việc, chỉ lo mỗi chuyện đưa chúng đi bác sĩ thú y. Chừng nào chó khoẻ lại anh mới cảm thấy vui được.
Một cán bộ công tác tại Chi cục Thú y tỉnh cho biết, hiện nay có nhiều người đã không tiếc tiền để mua chó ngoại nhập về nuôi. Riêng tại thành phố Tây Ninh, đã có một đại gia bỏ ra hàng chục triệu đồng để tậu một chú chó giống Alaska (Mỹ). Do khí hậu ở ta khác xa bên Mỹ nên người chủ phải bố trí hẳn phòng máy lạnh cho chó cưng ở, mỗi ngày chỉ mở cửa cho chú chó cưng ra ngoài đôi chút, không dám để ở ngoài lâu vì sợ chó bị “sốc”, sinh bệnh. Quả thật, chó cưng bị bệnh, chủ nuôi cũng muốn đổ bệnh theo.
Tại một cửa hàng thú y trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Tây Ninh, chúng tôi hết sức bất ngờ khi nghe nhân viên cửa hàng quảng cáo về những thức ăn, vật dụng dành riêng cho chó; nào là giày, nào là quần áo, đồ chơi… cho đến các loại mỹ phẩm dành cho chó như sữa tắm, dầu gội trị rận, dầu gội mượt lông, dầu thơm, bàn chải đánh răng, dụng cụ chải lông… Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh nhân viên giải thích: khác với những giống chó mà người Việt Nam thường nuôi (gọi là chó cỏ), các giống chó ngoại quốc rất “đỏng đảnh” khó nuôi, khó chăm sóc như bộ lông quá dày dễ sinh mùi hôi và sinh rận… vì thế phải có đủ thứ loại vật dụng, mỹ phẩm để phục vụ chúng. Chưa kể còn phải có các loại thuốc bổ dành cho chó.
Anh nhân viên cửa hàng thú y cho biết thêm, những giống chó có nguồn gốc xứ lạnh khi sống ở Việt Nam thường bị chảy nước bọt nên chủ nuôi còn phải mua cả… nước súc miệng, kẹo thơm cho chúng ngậm nhằm hạn chế mùi hôi. Những người chơi chó ngoại thường khá giả nên họ thường xuyên “làm điệu” cho thú cưng của mình bằng cách cho mặc quần áo và mang giày. Hằng tháng, các chủ nhân còn chở chó đến cửa hàng để cắt lông, cắt móng cho cục cưng của mình. Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi được anh nhân viên cửa hàng giới thiệu có cả sữa lẫn bình sữa, bình nước dành cho những chú chó con. Thức ăn cho chó cũng có nhiều loại với nhiều giá khác nhau.
Theo nhân viên một phòng khám thú y thì phần lớn chó nuôi thường gặp các bệnh như ghẻ, đường ruột, sốt. Những con mắc bệnh đường ruột thường rất khó sống vì vậy khi chó còn nhỏ, chủ nuôi phải cho chúng chích ngừa bệnh đường ruột, khi lớn hơn một chút chúng còn phải chích ngừa các bệnh khác.
Giá tiền khám, điều trị cho chó hiện nay trung bình khoảng 300.000 đồng mỗi lần, đó là đối với các loại bệnh như ghẻ, sốt, còn đối với bệnh đường ruột nặng phải vô nước biển cho chó thì giá còn cao hơn. Có những chú chó bị khối u, tích nước xoang bụng, viêm gan, tiểu đường… cần phải “nhập viện” (tại phòng khám) thì chi phí có thể lên đến hàng triệu đồng. Với các chú chó phải qua phẫu thuật thì khoản tốn kém điều trị vài triệu đồng là chuyện thường. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy phòng khám thú y quảng cáo thực hiện nhổ răng, cạo vôi răng thậm chí là mổ đẻ khó cho chó… Nghề khám, trị bệnh cho thú cưng nói chung, chó cưng nói riêng có vẻ đang là một nghề mang lại thu nhập khá cho các phòng khám thú y.
Anh Thành nhà ở thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành đang được nhiều người nuôi chó ngoại nhập ở tỉnh tin tưởng giao huấn luyện chó cưng của mình. Hiện anh đang nhận huấn luyện 2 chú chó giống bec-giê 9 tháng tuổi, mỗi chú được huấn luyện 3 tháng để biết nghe lời, biết giữ nhà, biết tấn công kẻ xấu và bảo vệ chủ. Tiền công huấn luyện là 5 triệu đồng/tháng cho mỗi con chó bao gồm cả việc lo ăn uống, trị bệnh trong thời gian huấn luyện; tính ra phần thù lao chẳng còn được bao nhiêu. Chỉ vào chú chó hơn 9 tháng tuổi mới nhận 3 ngày, anh Thành cho biết đây là giống bẹc-giê chính hiệu của Đức, có đóng mã vạch nguồn gốc ở mang tai, giá của nó hơn 200 triệu đồng. Do vậy, anh phải cho nó ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, cốt để khi giao trả chó cho chủ nuôi, người ta không phải phiền lòng khi thấy thú cưng của mình bị ốm o, gầy mòn.
Không khó để nhận ra việc sở hữu và chăm nuôi thú cưng không phải là chuyện dành cho những người nghèo. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, việc chơi thú cưng để giải trí cũng là một nhu cầu có thật và chính đáng của con người. Vấn đề là người chơi thú cưng phải tự biết cân nhắc “thực lực tài chính” của mình cũng như phải có đủ kiến thức khi quyết định đến với một thú vui không ít phần tốn kém.
Theo THẾ NHÂN - MỸ KHANH/ Tây Ninh online