Nước mưa cũng có nhiều vi khuẩn
Mưa đá khiến hàng loạt vi khuẩn và tạp chất bên trong các đám mây lộ diện. |
Nghiên cứu mẫu mưa đá được thu giữ sau cơn bão tháng 5/2009 tại Ljubljana, Slovenia, các nhà nghiên cứu phát hiện một số loại vi khuẩn thường cư trú bên trên các loại cây trồng và đất.
Như đã biết, mưa đá là hiện tượng cực đoan của thời tiết, được tạo ra khi nước trên những đám mây mưa gặp không khí lạnh đột ngột, khiến nước tụ thành những cục băng lớn. Khi những cục băng quá khổ này rơi xuống, chúng không kịp tan chảy trong quá trình di chuyển và tiếp đất ở thể rắn, giống với băng đá.
Tuy nhiên, các chuyên gia Đan Mạch cho rằng, vi khuẩn là một trong những yếu tố hỗ trợ sự hình thành của những trận mưa đá. Theo đó, các cá thể vi khuẩn tồn tại trong những đám mây biến nước thành những hạt tinh thể nhỏ, tiền đề cho những cục mưa đá lớn. Tùy từng điều kiện thời tiết, các tinh thể này sẽ kết hợp lại với nhau và hút thêm nước, tạo thành mưa đá, mưa thường hay mưa tuyết.
Trên thực tế, vi khuẩn có thể tồn tại ở độ cao gần 40 km so với mặt đất hay thậm chí là dưới dạng bào tử bên trong không gian hoàn toàn yếm khí. Sự hiện diện của vi khuẩn và các tạp chất bên trong các đám mây là do một lượng lớn không khí phía dưới liên tục bị các đám mây hút lên do hiện tượng chênh lệch áp suất.
Khi tiếp đất, nước mưa và mưa tuyết có thể bị pha lẫn các tạp chất khó loại bỏ. Chính vì lẽ đó, mưa đá được chọn để nghiên cứu sự tồn tại của vi khuẩn bên trên các đám mây bởi chúng được gần như nguyên trạng so với khi lơ lửng trong không khí. Việc loại bỏ các tạp chất của những cục mưa đá cũng dễ dàng được tiến hành.
Tồn tại số lượng lớn vi khuẩn và tạp chất khiến nước mưa trở nên độc hại hơn nhiều so với con người từng nghĩ. Đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, sự mất an toàn của nước mưa có thể tạo ra khá nhiều quan ngại bởi ở những vùng nông thôn, nước mưa vẫn là nguồn nước sinh hoạt chính.
Hồng Duy