Nước mắt, nụ cười trong ngôi nhà có 3 đứa con câm, điếc

Bao năm tháng đi qua, bên trong ngôi nhà nằm nép mình phía dưới con dốc nhỏ, hai vợ chồng lão nông Phạm Văn Thiện (Quảng Hợp, Quảng Trạch) vẫn ngày ngày chăm sóc ba đứa con câm, điếc.

Với họ, nỗi bất hạnh sẽ mãi đeo bám như cái nghiệp suốt đời đa mang.

Cuộc sống phía bên trong ngôi nhà ấy cứ chầm chậm trôi qua cùng bao giọt nước mắt tủi phận hằng đêm của người mẹ, cái trầm tư bất lực của người cha và sự im lặng muôn đời của những đứa con bé nhỏ.

“Con có nghe mẹ nói, không con?”

Bi kịch bắt đầu kể từ khi gia đình anh Phạm Văn Thiện và chị Đàm Thị Thái sinh đứa con đầu lòng. Khi sinh ra, em Phạm Sông Thao cũng khỏe mạnh, bụ bẫm như bao đứa trẻ bình thường khác. Thế nhưng, chưa cảm nhận hết vị ngọt ngào của hạnh phúc thì đã phải nếm vị đắng chát của bất hạnh khi đến tuổi tập nói, gia đình phát hiện ra Thao bị khiếm thính bẩm sinh. Ngày lại ngày, thay vì tiếng gọi “cha”, gọi “mẹ” trong veo, đứa bé ấy chỉ biết ú ớ thành những thanh âm khản đặc, vô nghĩa. Lòng người làm cha, làm mẹ đau đớn lắm. Gom góp được ít tiền, anh chị mang con đi chạy chữa khắp nơi những mong có được một phép nhiệm màu, nhưng tất cả đều “lực bất tòng tâm”.

Bốn năm sau, anh chị lại sinh đứa con thứ hai là Phạm Thị Hoài Thu. Đứa bé ấy cũng mang bất hạnh giống người anh của mình. Năm bé Thu lên 3 tuổi, vợ chồng anh lại bồng bế hai đứa con đi khắp các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc nhưng đều nhận được những cái lắc đầu bất lực. Người cha, người mẹ ấy đành giấu nỗi đau vào tận sâu thẳm tim can, chấp nhận sự bất công đến nghiệt ngã của số phận. Khi ấy, người đàn ông trụ cột như anh Thiện chỉ biết cách an ủi vợ: “sinh ra, con mình có đủ tay, đủ chân, mắt sáng, lanh lợi rứa là hạnh phúc hơn nhiều người rồi em ạ”. Nhưng nhiều đêm liền, nghe vợ mình lặng lẽ khóc, người chồng, người cha như anh cũng không thể cầm lòng.

Vài năm sau, anh chị quyết định sinh đứa con thứ 3, rồi đặt tên cháu là Phạm Thành Đạt. Cái tên ấy là tất cả những kỳ vọng, mong sao đứa con của mình sẽ khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác, cuộc sống sẽ sáng sủa hơn anh, chị của nó. Thế nhưng, ông trời thật quá trêu người. Cậu bé Đạt lớn lên cũng bị khiếm thính, suốt ngày chỉ biết ú ớ, chỉ trỏ.

Nước mắt, nụ cười trong ngôi nhà có 3 đứa con câm, điếc - ảnh 1
Ra dấu bằng tay là phương tiện giao tiếp duy nhất của anh em Thao.

Thời gian qua đi, gia đình ấy sống trong im lặng miết cũng thành quen. Những đứa trẻ và ba mẹ chúng nói chuyện chỉ bằng ánh mắt và ra dấu bằng tay. Chúng cứ thế lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ dẫu cuộc sống quanh mình chỉ có thể được cảm nhận bằng đôi mắt, không thanh âm, chẳng giọng nói, tiếng cười. Nhưng với cha mẹ chúng, nỗi đau chẳng bao giờ nguôi ngoai. Nỗi lo lắng, mặc cảm ấy càng lúc càng đè nặng, nhất là khi những đứa con càng lớn, càng thấy rõ sự thiệt thòi so với chúng bạn.

Gạt dòng nước mắt đang từ từ lăn dài, chị Thái nghẹn ngào: “Hồi nớ, tui cứ tự an ủi mình, là chắc ông trời đang thử thách vợ chồng tui thôi. Rồi một lúc mô đó, cả mấy đứa sẽ nghe được, nói được bình thường nên nhiều lần, đứng từ phía sau tụi hắn, cố gọi thật to: Thao ơi! Thu ơi! Đạt ơi! Con có nghe mẹ nói, không con? Nhưng đứa mô cũng lẳng lặng quay đi, chẳng đứa mô nghe mà quay đầu lại. Lâu rồi cũng thành quen, giờ tui cũng chẳng muốn gọi thử tụi hắn nữa. Gọi xong, chỉ thấy buồn thêm thôi”. Chị Thái lại khóc. Ở phía góc giường, anh Thiện cũng đỏ hoe đôi mắt.

Nỗi bất hạnh ấy càng đè nặng khi em trai anh Thiện là anh Phạm Ngọc Đường cũng sinh ra hai đứa con trai bị khiếm thính. Đó là các em Phạm Văn Đồng và Phạm Văn Đông. Ngày ngày, các em cũng chỉ biết quanh quẩn ở nhà. Cuộc sống trôi đi với những chuỗi ngày không thanh âm, chẳng giọng nói, tiếng cười.

“Ba mẹ hãy yên lòng!”

Hôm chúng tôi đến nhà, cũng vừa lúc bố con anh Thiện và Thao vừa đi cắt cỏ về. Nhìn gương mặt sáng sủa, nụ cười tươi rói của Thao chẳng ai nghĩ em đang phải chịu một nỗi thiệt thòi quá lớn. Những bằng khen, giấy khen và huy chương của em làm sáng cả một góc tường nhà cũ kỹ. Anh Thiện chẳng giấu nổi được niềm tự hào: “Giấy khen hồi hắn đang học ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Quảng Trạch đó. Hắn điếc, nhưng được cái là chơi thể thao rất giỏi. Đã có gần chục cái huy chương từ các Đại hội TDTT cho trẻ khuyết tật toàn quốc rồi”. Không nghe thấy bố mình đang nói gì nhưng thấy anh Thiện chỉ lên những tấm bằng khen, Thao như hiểu ra, rồi tủm tỉm cười.

Trước cửa, cậu bé em Phạm Thành Đạt cũng vừa đi học về đến nhà. Cậu bé vừa bước vào tuổi lên 8, khuôn mặt rạng rỡ trong bộ quần áo đồng phục mới tinh tươm. Nhìn thấy khách lạ, em mỉm cười thật hiền, rồi chạy nhanh vào phòng thay vội bộ quần áo. Nhìn theo dáng con, chị Thái bảo: “Hắn ham học quá nên cho hắn theo học chương trình hòa nhập ở trường làng”. Phải đeo máy trợ thính, chỉ nghe được lời cô dạy đôi ba từ nhưng Đạt học rất giỏi Toán. “Thôi thì, hắn học được chừng mô thì mừng chừng nấy. Ít nhất cũng phải có cái chữ để hòa nhập với xã hội, sau ni kiếm cái nghề”, anh Thiện ngậm ngùi tiếp lời vợ.

Vài tháng trước, đứa con thứ 2 của anh chị là bé Phạm Thị Hoài Thu đã theo bạn vào Nam làm công nhân ở một nhà máy chế biến hải sản. Giờ hàng tháng, em đã có thể gửi về quê ít tiền để phụ ba mẹ nuôi em và vơi bớt nhọc nhằn. “Hắn nhắn tin về là ba mẹ hãy yên lòng vì từ nay, con đã đi làm, kiếm được tiền. Nghe cũng mừng”, anh Thiện rưng rưng.

Chẳng nghe, chẳng nói được nhưng những đứa con của anh chị lại thông minh và lanh lợi lắm. Gọi là “cu Thao” nhưng giờ Thao đã là một thanh niên khỏe mạnh, ngày ngày, em vẫn chăm chỉ theo ba học nghề mộc để kiếm cái nghề nuôi sống chính mình. Thao lanh lợi nên học nhanh và cũng khéo léo trong từng mũi cưa, đường xẻ. Cậu út Phạm Thành Đạt thì sau mỗi buổi học lại phụ ba một số việc vặt trong xưởng mộc gia đình hay giúp mẹ nhặt rau, nấu cơm. Với anh chị, đó là nỗi an ủi có sức mạnh vô bờ, xóa dần đi những nỗi đau vốn quặn thắt tâm can mỗi khi nghĩ đến.

Giờ thì vợ chồng anh Thiện, chị Thái đã chấp nhận số phận như bất hạnh là một điều hiển nhiên giữa cuộc đời. Chị cũng chẳng còn những lần cố gọi tên con thật to để mong có phép màu như dạo trước nữa. Vậy mà nhiều đêm, người mẹ ấy vẫn quay mặt vào tường, lặng lẽ khóc. Nỗi đau vẫn quay quắt, ám ảnh. Chồng chị cũng đâu tránh khỏi những đêm thức trắng, nghĩ ngợi về tương lai của những đứa trẻ tội nghiệp.

Càng thương và lo cho con, họ càng làm quần quật, từ sáng đến tối, chỉ mong dành dụm được ít tiền để khi già yếu, có chút vốn liếng phụ con qua ngày. “Giờ cha mẹ khỏe mạnh, làm miệng, làm tai cho tụi hắn nhưng khi tụi tui già đi rồi nằm xuống thì lấy ai lo”, chị quay mặt vào trong, cố giấu đi giọt nước mắt mặn mòi. Cuộc trò chuyện dẫu ngắn ngủi nhưng chẳng biết bao lần, đôi vợ chồng ấy phải rơi nước mắt đắng chát, tủi phận.

Cuộc đời, một khi đã lấy đi của ai cái gì thì sẽ bù đắp lại bằng một điều quý giá khác. Nhìn vào đôi mắt lanh lợi, nụ cười lạc quan như nắng của Thao, của Đạt, dòng tin nhắn chắc nịch quyết tâm của bé Thu, chúng tôi vẫn tin cuộc đời phía trước của các em sẽ không bao giờ mờ mịt như cái trăn trở, âu lo của những đấng sinh thành.

Diệu Hương/Báo Quảng Bình

Công nghệ sản xuất tạo nên nước uống Sữa trái cây mãng cầu vạn người mê

Chính quy trình và công nghệ sản xuất hiện đại đã tạo nên hương vị tự nhiên thơm ngon khác biệt cho thức uống từ mãng cầu mới của Tập đoàn TH.

Sức nóng Đô thị nghỉ dưỡng Sun Group tại Hà Nam chưa hạ nhiệt

Ngày 17/11, sự kiện giới thiệu dự án Sun Urban City với chủ đề “Sắc màu miền di sản” diễn ra tại Hà Nội thu hút hơn 700 nhà đầu tư và chuyên viên kinh doanh BĐS miền Bắc.

Khách nước ngoài 'đổ' về làng Vòng thưởng thức đặc sản nức tiếng mùa thu Hà Nội

Với những ai có tình yêu với mùa thu Hà Nội thì không thể không nhớ đến cốm làng Vòng - một món ăn, đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, nhất là với khách du lịch nước ngoài.

Giới trẻ trải nghiệm ‘siêu xanh, siêu xinh’ cùng Vinamilk

Với hơn 11.000 vỏ hộp sữa đổi trong 2 ngày hội Việt Nam Xanh, khách hàng nhận lại gần 600 phần quà xanh, 200 chậu cây và 30 vé đi tham quan trang trại được Vinamilk trao tặng.

Cán bộ, công chức đóng BHXH 15 năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ giữ nguyên lương hưu

Cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, đóng BHXH đủ 15 năm trở lên, nếu tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu và được hưởng nhiều trợ cấp khác.

45 tuổi đóng BHXH về già vẫn có lương hưu?

Lao động tự do hơn 40 tuổi nếu tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thì đến tuổi nghỉ hưu vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

Hàng ngàn quà tặng hấp dẫn chờ đón khách hàng SHB dịp sinh nhật 31 tuổi

Sổ tiết kiệm 310 triệu đồng, bộ cốc thương hiệu, ô cầm tay, áo mưa, hàng trăm ngàn voucher giảm giá cùng những lời cảm ơn dễ thương, thú vị là những hoạt động đặc biệt tri ân khách hàng của SHB nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập.

Bất động sản Thủ đô - cuộc chuyển dịch sóng đầu tư từ tây sang đông bắc

Phía tây Hà Nội với vị thế trung tâm kinh tế - hành chính mới luôn giữ vị trí “quán quân” về nguồn cung và giao dịch trên thị trường bất động sản. Những năm gần đây, “cán cân” thị trường lại nghiêng về phía đông thành phố.

Quy định mới về chế độ thai sản cho nam giới khi vợ sinh con

Từ năm 2025, chế độ thai sản dành cho lao động nam khi vợ sinh con sẽ có những thay đổi.

Về ra mắt, chàng trai Thanh Hoá nói một câu khiến bố vợ tương lai bật khóc

Lời nói chân thành của người con rể tương lai khiến bố vợ xúc động ngay trong lần đầu gặp mặt.

Đang cập nhật dữ liệu !