Nước mắt mừng vui chờ đón thuyền viên trở về từ tay cướp biển
Nước mắt mừng vui chờ đón thuyền viên trở về từ tay cướp biển
Hôm nay, 12 thuyền viên VN bị hải tặc bắt, về nước
Cả nhà mừng rơi nước mắt
Cách đây gần 3 năm, vào tháng 9/2009, 12 lao động ở Nghệ An và Hà Tĩnh làm liên hoan chia tay gia đình, bạn bè, làng xóm rời quê đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Nhóm lao động này được bố trí làm việc cùng 14 người Trung Quốc trên tàu đánh cá FV Shiuh Fu No1.
Làm việc trên tàu được hơn một năm, các thuyền viên ít nhiều đã có tiền lương gửi về cho gia đình khiến ai cũng vui mừng. Rồi bỗng nhiên tai họa ập tới, vào ngày 25/12/2010, khi tàu FV Shiuh Fu No1 đang đánh cá ở vùng biển Ấn Độ Dương thì bị cướp biển Somalia tấn công, bắt cóc.
Ông Lưu Đình Thu (bố thuyền viên Lưu Đình Hùng) và ông Trần Văn Vinh (bố thuyền viên Trần Văn Hùng) đang nóng ruột ngóng con trở về. |
Vợ chồng bà Võ Thị Nhị, bố mẹ của thuyền viên Lưu Đình Hùng 18 tháng qua đã khóc cạn nước mắt vì không biết được tính mạng của con mình thế nào.
18 tháng ròng từ ngày bị bắt, 12 thuyền viên Việt Nam chỉ liên lạc về nhà đôi ba lần khi mới bị bắt. Rồi từ đó bặt vô âm tín không có thông tin gì báo về khiến người thân của họ vô cùng hoang mang lo lắng. Nước mắt bố mẹ, người thân của các thuyền viên đã cạn vì khóc cho con nơi xứ người. Ai cũng nghĩ rằng các thuyền viên sẽ không có cơ hội sống sót về nhà nữa.
Bà Võ Thị Nhị, mẹ của thuyền viên Lưu Đình Hùng, người xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An kể lại: "Khi mới bị bắt cóc, con tôi nó có điện thoại về thông báo chúng nó bị hải tặc đánh đập, bỏ đói, Thuyền trưởng thì bị chặt tay. Tiếp đó nó lại điện về cho biết, phía hải tặc đang đòi hơn 60 tỷ đồng tiền chuộc nhưng chủ tàu không chịu và đang bỏ bê các thuyền viên. Lúc đó chúng tôi vô cùng hoang mang lo lắng".
Cùng chung tâm trạng, ông Trần Văn Chính (bố thuyền viên Trần Văn Toàn), xóm 14, xã Nghi Tiến cho hay: "Nhiều lần chúng tôi gọi điện ra công ty yêu cầu cứu con mình nhưng đều lực bất tòng tâm. Đã thế sau một thời gian không có tin tức thì đùng một cái chúng nó điện về bảo hải tặc đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu chủ tàu và đây là cuộc gọi về nhà lần cuối cùng nếu không trao tiền chuộc tàu và người. Chúng còn nói một số thuyền viên đã bị hải tặc đem đi đâu không rõ. Điều đó làm chúng tôi càng hoảng sợ hơn".
Nhiều người thân của các thuyền viên khác cũng cho biết họ thực sự nghĩ rằng đã mất đi một người thân. Thậm chí nhiều gia đình còn lập bàn thờ vì nghĩ rằng "chắc nó sẽ không trở về được nữa". Có lúc các gia đình thuyền viên họp lại bàn tính chuyện bán nhà chuộc con.
Đang trong lúc hoang mang, tuyệt vọng thì ngày 17/7 vừa qua, gia đình các thuyền viên bỗng nhận được tin con tàu và tất cả những người bị bắt cóc đã được giải cứu an toàn. Thông tin này được Cục lãnh sự - Bộ ngoại giao phát thông báo cho các công ty đưa 12 thuyền viên đi lao động nên rất chính xác.
Theo đó, các thuyền viên lúc đó được tàu chiến Trung Quốc giải cứu sau khi chủ thuyền chồng đầy đủ tiền chuộc, đưa vào bờ cập cảng Tanzania vào ngày 20/7. Tuy các thuyền viên chưa ai điện về nhà nhưng sự vui mừng đã thể hiện rõ trên khuôn mặt từng người thân của họ.
Ông Lưu Đình Thu (bố thuyền viên Lưu Đình Hùng) và ông Trần Văn Vinh (bố thuyền viên Trần Văn Hùng) đang nóng ruột ngóng con trở về.
Ông Trần Văn Chính, bố của thuyền viên Trần Văn Toàn nhớ lại hôm nhận tin con mình được giải cứu: "Lúc đầu nghe tin tôi không tin đó là sự thât mà chỉ nghĩ họ động viên gia đình. Nhưng khi nghe nói bộ ngoại giao ra thông báo đàng hoàng thì tôi đã khóc vì mừng quá. Tôi chạy đi báo cho bà con làng xóm rằng thằng Toàn còn sống và sẽ trở về trong nay mai. Ai nấy đều vui mừng không tả được".
Bà Võ Thị Nhị, mẹ thuyền viên Lưu Đình Hùng thì cho biết từ khi nghe tin con được giải cứu đêm nào bà cũng không ngủ được. "Tôi vui quá, cứ mỗi đêm nằm ngủ là tôi lại thấy nao nao trong lòng, háo hức chờ cái ngày con về. Đã gần 3 năm trời nó đi biền biệt, tưởng bỏ xác nơi xứ người nay tự nhiên lại có tin trở về khiến tôi không còn gì vui bằng. Thế là đứa con của tôi đã được cứu sống".
Còn chồng bà, ông Trần Văn Vinh, bố thủy thủ Trần Văn Hùng thì lúc nào cũng cầm khư khư lấy cái điện thoại di động chờ con điện về báo tin. "Máy tôi lúc nào cũng ở bên người từ khi nghe thằng Hùng và các thuyền viên khác được giải cứu. Cũng may tổ tiên, phúc nhà lớn mà nó còn sống để trở về. Nếu không chúng tôi cũng sống trong sự héo mòn chờ con mà chết", ông Vinh cho hay.
Đếm ngược thời gian chờ con trở về
Thông tin mới nhất cho biết, chiều ngày 21/7, 12 thuyền viên của Việt Nam được giải cứu đã điện thoại về nhà. Qua cuộc nói chuyện ngắn ngủi các thuyền viên cho biết đã trở về đất liền an toàn, tất cả đều khỏe mạnh. Hiện các thuyền viên đang ở tạm tại Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania.
Hàng xóm đến chia vui cùng gia đình các thuyền viên khi nghe tin họ sống sót đang trên đường trở về.
Nhận được điện thoại của con, nỗi lo âu bao lâu nay của những người làm cha, làm mẹ, anh chị em thuyền viên đã không kìm được giọt nước mắt vui mừng. Bà con các xóm có thuyền viên được giải cứu cũng vui hẳn lên, làng như có hội lớn.
Có mặt tại nhà bà Võ Thị Nhị, chúng tôi thấy bà con tập trung đến rất đông. Họ là những người làng xóm cùng lo lắng khi nghe tin các thuyền viên bị bắt cóc trước đây, rồi cùng chia vui với gia đình khi thuyền viên thoát chết trở về. Khuôn mặt ai nấy đều nở nụ cười tươi, tim đập rộn ràng chờ Hùng trở về bên mái ấm gia đình sau gần 3 năm lưu lạc.
Sau khi được làm thủ tục, sáng hôm nay, các thuyền viên đã lên máy bay trở về Việt Nam. Dự kiến, chiều cùng ngày, họ sẽ có mặt tại sân bay Việt Nam.
Nhận được thông tin các con trở về, gia đình các thuyền viên đã tổ chức họp bàn. Sáng sớm 24/7 họ cùng nhau bắt xe đò ra tận sân bay Nội Bài để đón con mình. Còn những người thân ở nhà thì đang đếm ngược thời gian, từng phút, từng giờ để sớm được gặp lại con, lại anh, em của mình.
Danh sách 12 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu FV Shiuh Fu No1:
1.Trần Văn Toàn (SN 1991, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An)
2.Trần Văn Hùng (SN 1987, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An)
3. Nguyễn Thanh Tú (SN 1986, Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An)
4.Lưu Đình Hùng (SN 1990, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An)
5. Vũ Văn Ba (SN 1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An)
6. Nguyễn Văn Hải (SN 1992, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An)
7. Hồ Xuân Hương (SN 1989, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An)
8. Trần Minh Trí (SN 1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An)
9. Trần Huy Bình (SN 1987, Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An)
10. Lưu Đình Sơn (SN 1991, Thạch Ngàn, Con Cuông, Nghệ An)
11. Nguyễn Văn Tâm (SN 1990, Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)
12. Bùi Văn Hóa (Quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
PHẠM HÒA