Nước chung cư Tân Tây Đô nhiễm độc: Cư dân yêu cầu đối thoại
Cư dân chung cư Tân Tây Đô biểu tình phản đối ngày 18/11.
Ông Trần Xuân Chinh, Phó ban thường trực cư dân CT2A, khu đô thị Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, Ban quản lý và chủ đầu tư dự án không hề đếm xỉa đến việc hàng nghìn cư dân đang phải ăn nước bẩn nhiễm độc hàng ngày tại đây.
Sẽ đấu tranh đến cùng
Trao đổi với báo chí, ông Chinh cho biết, nhiều tháng nay chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư Hải Phát và Ban quản lý (BQL) chung cư CT2 Tân Tân Đô (xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) đã áp đặt việc thu phí dịch vụ 4.000 đồng/m2 và phí nước sinh hoạt 7.300 đồng/m3 trong khi chất lượng dịch vụ, nhân viên phục vụ kém chuyên nghiệp, nguồn nước ô nhiễm, bẩn đục.
"Sáng 18/11 vừa qua, cư dân đã tập trung trước tòa nhà phản đối chủ đầu tư tự ý cắt nước của dân, yêu cầu Công ty Hải Phát cung cấp nước sinh hoạt sạch, giảm phí dịch vụ nhưng thay vì đối thoại với cư dân tại đây và cải thiện tình trạng trên, cách phục vụ thậm chí còn tồi tệ hơn", ông Chính thông tin.
Ông Chinh cũng cung cấp thông báo của BQL tòa nhà vào ngày 19/11 được dán tại bảng tin yêu cầu các hộ dân chưa đóng phí dịch vụ sau ngàu 5/12/2014 BQL sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ mà chủ đầu tư cung cấp.
(Thông báo sẽ cắt nước của BQL tòa nhà. Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nội dung thông báo cũng cho thấy: "Hiện tại đã có 340 hộ đến ở tại tòa nhà CT2A, số hộ đã đóng phí dịch vụ tính đến ngày 18/11/2014 là 280 hộ số còn lại là 60 hộ chưa thực hiện nghĩa vụ đóng phí".
Song ông Chinh cũng phủ nhận con số BQL đưa ra là 60 hộ dân chưa đóng phí dịch vụ. "Họ đã dùng mọi thủ đoạn thậm chí tiểu xảo để đạt được mục đích của chủ đầu tư", ông Chinh bức xúc cho biết.
Trước đó, vào sáng 18/11 cư dân khu đô thị đã tập trung tuần hành trong khuôn viên tòa nhà, hô các khẩu hiệu phản đối BQL và yêu cầu được trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư nhưng không nhận được động thái tích cực nào từ phía chủ đầu tư và BQL chính vì vậy, theo ông Chính, tới đây chắc chắn sẽ xảy ra những sự việc có tính chất mạnh mẽ hơn vì quyền và lợi ích của người dân bị xâm hại.
"Tiền phí dịch vụ thu cao nhưng cung cách phục vụ lại không chuyên nghiệp, thấp như ở Mường Tè, nên dân càng bức xúc. Mùng 5 nếu cắt nước chắc chắn sẽ xảy ra việc khó lường mặc dù Ban đại diện không muốn điều đó xảy ra nhưng cư dân đã quá bức xúc, họ sẽ đấu tranh đến cùng", ông Chinh cho hay.
Một nguồn nước có tới 2 kết quả thử nghiệm
Trao đổi với BizLIVE, ông Đặng Tiến Tiếp, Trưởng BQL tòa nhà CT2 Tân Tây Đô từng thừa nhận, mức giá 7.300 đồng/m3 nước hiện cư dân tại đây đang phải trả là mức giá đồng thời cho biết, câu trả lời về giá, chất lượng nước phải hỏi Tuấn Quỳnh (Công ty CP Xây dựng & Thương mại dịch vụ Tuấn Quỳnh, đơn vị cung cấp nước - PV).
Ngoài ra, cũng cung cấp bản Kết quả thử nghiệm mẫu nước do đơn vị thực hiện lấy mẫu nước là Công ty Tuấn Quỳnh và BQL Tân Tây Đô thực hiện vào khoảng thời gian từ 6/10/2014 đến 16/10/2014 tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng).
Theo đó, hàm lượng Asen được xác định là 0,03 mg/L, tổng Coliforms cho ra kết quả KPH (<1), Ecoli KPH (<1) đơn vụ đo là MPN/100mL.
Trong khi mẫu kết quả do cư dân cung cấp được thực hiện tại Phòng phân tích chất lượng môi trường (Viện Công nghệ môi trường) cho ra kết quả, chỉ tiêu phân tích Coliform cho kết quả 7.100 vi khẩn/100ml nước, E.coli là 11 vi khuẩn/100ml nước trong khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt quy định lần lượt là 50 vi khuẩn, 0 vi khuẩn/ml nước.
Thậm chí, khi sử dụng nước tắm khiến người nổi mẩn phải dùng thuốc trị ngứa, ghẻ thường xuyên, trẻ con đau mắt. Mỗi hộ dân phải tự trang bị máy lọc nước và mua nước khoáng đóng bình sử dụng, thậm chí phải gửi con đi tắm ở những nơi khác.
Theo Vĩnh Trà/bizlive