Nước Anh chi hơn 150 tỷ đồng cho 1 tấm huy chương
Nước Anh chi hơn 150 tỷ đồng cho 1 tấm huy chương
Đoàn Olympic Vương quốc Anh năm nay giành được số huy chương cao hơn hẳn tại Sydney và Athens. Điều đó cho thấy hiệu quả trong việc đầu tư lớn vào thể thao mà chính phủ Anh đã tiến hành. Tính đến hết ngày thi đấu 7/8, đoàn thể thao Anh đã giành được tổng cộng 46 huy chương, trong đó có 22 HCV, thành tích tốt nhất của họ trong suốt 104 năm qua.
Để các VĐV có thể thi đấu tốt nhất, đoạt HCV như Victoria Pandleton (ảnh) nước Anh đã chi ra một số tiền rất lớn |
Thành tích ấn tượng này đi kèm với số tiền đầu tư khổng lồ dành cho thể thao. Số tiền đầu tư dành cho thể thao đã tăng từ 70 triệu bảng tại Athens 2004 lên đến 235 triệu bảng tại Bắc Kinh 2008. Năm nay với việc được tổ chức tại quê nhà, số tiền đầu tư tăng lên đến 264 triệu bảng. Nếu các VĐV Anh đạt được số huy chương theo dự kiến là 57 thì tính ra mỗi tấm huy chương sẽ có kinh phí tương đương 4,6 triệu bảng, gấp hơn 2 lần so với con số 2,1 triệu bảng cho 28 tấm huy chương tại Olympic Sydney 2000.
Tính từ năm 2000 đến nay, nước Anh đã đoạt khoảng 150 huy chương các loại với chi phí hơn 4 triệu bảng cho mỗi huy chương. Mức đầu tư của nước Anh dành cho thể thao tăng lên rất nhiều trong 2 kỳ Olympic gần đây khi chính phủ Anh quyết định lấy ngân sách từ hệ thống xổ số quốc gia. Thống kê cho thấy có hơn 90% trong số 542 VĐV Vương quốc Anh tại Olympic năm nay được hưởng lợi từ chương trình này.
Giáo sư David Forrest - chuyên gia về kinh tế thể thao của ĐH Salford cho biết trên kênh BBC: “Khi nước Anh đến với Bắc Kinh 2008, các VĐV được hưởng lợi từ số tiền 235 triệu bảng cho chương trình đào tạo chuẩn bị cho Olympic với mức chi phí nhiều hơn 4 lần so với tại Athens. Tính ra chúng tôi đã bỏ thêm 165 triệu bảng và có thêm 17 huy chương, chi phí cho mỗi tấm huy chương khi đó lên đến 10,1 triệu bảng”.
Số liệu từ Ủy ban thể thao của Vương quốc Anh cho biết đua thuyền là môn nhận được kinh phí đầu tư lớn nhất tại Olympic năm nay với số tiền lên đến 27,3 triệu bảng, tiếp theo là đua xe đạp (26 triệu bảng), điền kinh và bơi lội mỗi đội nhận được 25,1 triệu bảng. Đầu tư ít nhất là bóng bàn (1,2 triệu bảng), cử tạ (1,37 triệu bảng) và đấu vật (1,4 triệu bảng).
NGUYỄN ĐĂNG