Núi lửa phun trào chậm hơn chúng ta tưởng
Dung nham nóng chảy phun lên từ một núi lửa. (Nguồn: Live Science) |
Một nghiên cứu vừa được nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Pascal (Pháp), trường Khảo sát Địa chất và Đại học Buffalo (Mỹ) công bố trên tạp chí Nature Communications (Mỹ) cho thấy, thậm chí các "siêu núi lửa" cũng bắt đầu phun trào rất chậm, không như miêu tả trong phim.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu "siêu núi lửa" Silver Creek, nằm ở giữa các bang California, Nevada và Arizona (Mỹ). Ngọn núi lửa này đã phun trào cách đây 18,8 triệu năm, khiến tro và dung nham nóng bỏng phủ khắp diện tích 3 bang ngày nay. Tuy nhiên, các dòng dung nham trào ra từ miệng núi lửa đã di chuyển với tốc độ khá chậm, chỉ khoảng hơn 15km mỗi giờ.
Nhà nghiên cứu núi lửa Greg Valentine (Đại học Buffalo) cho biết, một vụ phun trào dữ dội như vậy có thể tàn phá một khu vực rộng lớn, nhưng dòng dung nham không chảy quá nhanh như quan niệm của giới khoa học trước đây, do đó người dân sống quanh khu vực núi lửa vẫn có thể kịp sơ tán.
Ông Valentine cho biết, nghiên cứu này rất quan trọng trong phòng chống thiên tai, bởi nó góp phần dự báo hướng và tốc độ của các dòng dung nham khi một ngọn núi lửa phun trào, giúp con người dự liệu đủ thời gian để kịp sơ tán.
Các nhà khoa học giải thích, dung nham nóng chảy là “sát thủ” thực sự, bởi chúng khiến nạn nhân tử vong vì bị mắc kẹt và chết ngạt.
Theo Trung Hiếu/ TGVN