Nửa thế kỷ giải oan cho người liệt sĩ “2 lần bị xóa tên” (Bài 2)
Ông Nguyễn Minh em trai liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn (áo xanh) và ôngNguyễn Văn Mùi - em rể của liệt sỹ Nguyễn Văn Toàn |
Trả lại tên cho anh
*** Nửa thế kỷ giải oan cho người liệt sĩ "2 lần bị xóa tên" (bài 1)
Sau khi Nguyễn Minh tìm về đơn vị cũ tìm thông tin về anh trai Nguyễn Đức Toàn để thu thập chứng cứ gửi về cho ông Nguyễn Đức Viền và ông Nguyễn Văn Mùi (em rể của liệt sỹ Nguyễn Văn Toàn) để làm đơn gửi lên cơ qua chức năng.
Sau những lá đơn của ông Nguyễn Văn Mùi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã có công văn số 20/CV-ĐĐBQH ngày 10/12/2014 gửi Ban Dân nguyện (Quốc hội), trong đó kiến nghị Ban theo dõi, giám sát, có ý kiến đối với các cơ quan chức năng để giải quyết, trả lời dứt điểm trường hợp liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn.
Nhận được công văn, Vụ Dân nguyện đã điều tra, xác minh và nhận thấy có sự nhầm lẫn: Tại giấy báo tử số 253Z ngày 01/11/1976 của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) có ghi: Đồng chí Nguyễn Đức Toàn, sinh năm 1944, quê quán: xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; nhập ngũ tháng: 04/1962; cấp bậc: Trung sỹ; chức vụ: Tiểu đội trưởng; đơn vị: C4, D4, E88, F3; hy sinh năm 1968, trong trường hợp chiến đấu, an táng tại xã Phước Quả.
Trong khi đó, tại Phiếu xác minh ngày 05/07/1979 của Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng có ghi: Nguyễn Văn Toàn, quê quán xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; nhập ngũ: 07/1968; cấp bậc: hạ sỹ; chức vụ: Tiểu đội phó; đơn vị: A3, B3, C5, D5, E1 thuộc phân khu 3- Kon Tum; đầu hàng ngày 22/4/1970 trong trường hợp tự nguyện.
Hai thông tin trên có rất nhiều sai lệch, ví dụ sai lệch về tên đệm, thời gian nhập ngũ, thời gian hy sinh - thời gian đầu hàng địch, sai chức vụ, cấp bậc, đặc biệt là sai về phiên hiệu đơn vị chiến đấu, chiến trường nơi liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn hy sinh (theo giấy báo tử) và nơi đầu hàng địch của ông Nguyễn Văn Toàn (theo Phiếu xác minh số 76).
Đáng tiếc là tất cả các vấn đề sai lệc đã không được các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh xem xét.
Ngày “về” mừng tủi
Ngày 13/5/2015, Ban Dân nguyện tiếp tục có buổi làm việc với Cục Chính sách, Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, UBND tỉnh Hà Nam về trường hợp liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn...
Ngày 8/6/2015, Cục chính sách, Tổng cục Chính trị đã có công văn số 1056/CS-TBLS đề nghị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam – phối hợp với Sở LĐ,TB &XH tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương có văn bản đề nghị Cục Người có công/Bộ LĐTB&XH công nhận liệt liệt sỹ và cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn.
Ngày 22/7 vừa qua, cơ quan chức năng và địa phương đã tổ chức Lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Viền chia sẻ, anh em con cháu biết tin đều tụ họp về nhà, cảm xúc của chúng tôi là vừa mừng vừa tủi.
“Bà con lối xóm có hàng trăm người đến dự buổi lễ truy điệu cho chú tôi. Buổi lễ xúc động lắm, ai cũng mừng cho gia đình tôi đã được giải oan. Khi có giấy tờ chứng nhận, chúng tôi đã có thể đưa di ảnh chú lên ban thờ và làm giỗ cho chú hằng năm” – Ông Viền xúc động chia sẻ.
Còn thiếu một lời xin lỗi
Tại nhà ông Viền, bàn thờ nghi ngút khói hương, lần đầu tiên sau 47 năm hy sinh, liệt sỹ Nguyễn Đức Viền được gia đình đặt di ảnh, làm các thủ tục để thờ tự như quan niệm truyền thống của gia đình và địa phương. Và những người thân cũng đang tiến hành thu thập tư liệu để tìm phần mộ liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn.
Ông Nguyễn Minh, chuẩn bị đồ đạc để về nhà ở Đồng Nai cũng cho biết: “Mặc dù anh tôi đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công, đã có chứng nhận liệt sỹ. Tuy nhiên cho đến thời điểm này (ngày 25/7) cả gia đình chúng tôi cũng chưa nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào từ chính quyền địa phương về sự việc nhầm lẫn sai sót để cả 3 thế hệ trong gia đình chúng tôi đi tìm lời giải 47 năm nay”.
Ông Nguyễn Đức Viền cho biết, nguyện vọng của gia đình hiện nay là ngoài việc làm rõ sai sót của ai, ở đâu và giai đoạn nào, thì nếu theo Quyết định của Thủ tướng số 131 ngày 9/3 năm 1977, số bằng 262 cấp bằng Tổ quốc ghi công cho chú tôi, lúc đó ông bà tôi còn sống, tôi mong được giải quyết chế độ chính sách cho đến lúc ông bà tôi đã mất, không đòi hỏi gì hơn.