Nửa thế kỷ giải oan cho người liệt sĩ “2 lần bị xóa tên”
Ông Nguyễn Minh em trai liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn và tấm bằng Tổ quốc ghi công muộn màng của gia đình sau 47 năm oan ức. |
Sau gần nửa thế kỷ đi tìm lại sự thật, ngày 22/7 năm 2015, những người thân của 3 thế hệ trong gia đình liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn (xóm 2, xã Thuỵ Lôi, Kim Bảng, Hà Nam) mới được đặt lên bàn thờ tấm bằng Tổ quốc ghi công và giấy chứng nhận liệt sỹ và di ảnh để thờ tự.
Hai lần bị "xóa tên" liệt sĩ
Năm 1962, Nguyễn Đức Toàn mới 18 tuổi, như bao thanh niên thời ấy, anh lên đường nhập ngũ. Sau chiến thắng 30/4/1975, hoà bình lập lại, những người con của làng còn sống đã trở về đoàn tụ. Những người đã hy sinh thì cũng có giấy báo tử và gia đình được giải quyết chế độ chính sách. Riêng trường hợp của Nguyễn Đức Toàn thì vẫn bặt vô âm tín.
Ông Nguyễn Đức Viền cháu gọi liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn bằng chú ruột năm nay đã 60 tuổi kể lại: “Khoảng đầu năm 1977, ông nội tôi là Nguyễn Văn Diện được báo tin xã sắp sửa tổ chức lễ truy điệu, trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn. Đột nhiên, hôm sau lại có tin tạm dừng lễ truy điệu cho trường hợp của chú tôi vì lý do chú Toàn “còn sống và đã đầu hàng địch”.
“Nghe tin đó gia đình tôi hồi ấy ai cũng buồn, nhất là ông bà nội tôi. Linh cảm chú tôi bị oan nên ông nội tôi đã lặn lội gõ cửa nhiều nơi để minh oan cho con trai mình nhưng không có kết quả. Ông nội tôi mất vào năm 1982, 10 năm sau đó, nội tôi cũng qua đời trong khi vẫn đau đáu với nỗi niềm có con trai đầu hàng địch.” – Ông Viền nhớ lại.
“Gia đình chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian, công sức để đi tìm sự thật. Ngoài ra chúng tôi cũng phải chịu không ít những rắc rối liên quan, đơn cử như đứa cháu trai gọi ông Nguyễn Đức Toàn bằng cậu làm ở Bệnh viện quân đội 108 cũng gặp khó khăn trong quá trình thẩm tra lí lịch ở địa phương để vào Đảng. Tuy rằng sau đó mọi việc cũng qua nhưng để hiểu rằng, nỗi oan của người đã khuất với tiếng xấu “đầu hàng địch” đã ảnh hưởng không nhỏ đến người còn sống.” – ông Nguyễn Đức Viền chia sẻ.
Liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn (Ảnh gia đình cung cấp) |
Năm 1998, thân nhân liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn đã làm đơn đề nghị Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã Thụy Lôi xét đề nghị công nhận liệt sỹ cho ông Nguyễn Đức Toàn. Hội đồng đã họp ngày 4/8/1998 và lập biên bản đề nghị công nhận liệt sỹ cho ông Toàn nhưng chờ mãi vẫn không có phản hồi của cơ quan chức năng.
Ông Viền nhớ lại: “Khoảng năm 1998, nhiều người đi tập thể dục trong nghĩa trang liệt sỹ mới khánh thành của xã họ đọc thấy tên chú tôi nên họ bảo tôi “Chú ông có tên trong bia đá nghĩa trang liệt sỹ kìa. Ngay tập tức tôi đạp xe vào xem thì đúng có tên của chú tôi thật. Nhưng sau đó tên chú tôi lại bị xoá đi”.
Đầu năm 2001, ông Viền làm đơn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam về việc tìm người thân không tin tức trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Ngày 6/12/2001, Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Nam đã có Công văn số 142/TBLS-NCC do Giám đốc Nghiêm Đức Đạo ký, yêu cầu Phòng Tổ chức xã hội huyện Kim Bảng chỉ đạo UBND xã Thụy Lôi xác minh, kết luận việc thực hiện chế độ chính sách đối với gia đình liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn đã được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam Ninh cấp Giấy báo tử số 253/BT ngày 1/11/1976, bằng Tổ quốc ghi công số UA262h của Thủ tướng Chính phủ.
"Đến lúc đó gia đình chúng tôi mới biết được chú tôi có giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công. Trước đó chúng tôi không hề có một tin tức gì của chú tôi. Gia đình cũng chưa bao giờ nhận được giấy báo tử hay bằng Tổ quốc ghi công"- Ông Viền cho hay.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, 3 tháng sau Sở LĐTB&XH Hà Nam có Công văn số 80/CV-LĐTB&XH cũng do ông Nghiêm Đức Đạo ký, gửi Cục Chính sách thương binh liệt sỹ và người có công (Bộ LĐTB&XH) đề nghị Bộ trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi bằng Tổ quốc ghi công và xóa tên liệt sỹ đối với ông Nguyễn Đức Toàn.
Lý do Sở này đưa ra là, tại Công văn số 02/TCXH ngày 16/1/2002, Phòng Tổ chức xã hội huyện Kim Bảng cho biết theo thông tin từ Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị-Bộ Quốc phòng), ông Nguyễn Đức Toàn đã đầu hàng địch tại Long An (ty chiêu hồi Long Khánh khai thác) trong trường hợp tự nguyện.
Người lính của Trung đoàn anh hùng
Khoảng năm 2001, thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn nhận được thư mời dự lễ thành lập Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Quân khu 7. Chính từ đây gia đình mới có thông tin về liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn.
Sau khi có thông tin, từ Đồng Nai, ông Nguyễn Minh em trai liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn cũng là bộ đội phục viên đã lặn lội tìm đến Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Quân khu 7 để xác minh thông tin về anh trai.
Ông Nguyễn Đức Viền cháu gọi liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn bằng chú ruột |
Tại đây ông Minh đã được xem danh sách lý lịch trích ngang của 191 người của đơn vị này hy sinh, trong đó có tên của liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn ở số thứ tự 141.
Ông Nguyễn Minh đã xin photo bản lý lịch trích ngang có chứng nhận của đơn vị rồi gửi về uỷ quyền cho người thân ở Hà Nam tiếp tục minh oan cho anh trai mình. Những người cùng đơn vị cũ của liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn khẳng định, trước sau gì gia đình cũng sẽ được minh oan. Vì nếu như có người quy hàng địch thì Trung đoàn 88 không thể 3 lần đạt danh hiệu lực lượng vũ trang nhân dân.
(Bài 2: Sự tắc trách cần phải có lời tạ lỗi sau 47 năm oan ức)