Nữ TNXP từng úp bát vào vết thủng bụng... phải tìm vợ cho chồng
Sau 10 năm cống hiến cho cách mạng trở về quê hương với chế độ thương binh hạng ¾, thương tật 41%, chưa một giây phút nào người cựu thanh niên xung phong "vào sinh ra tử" nghĩ cho riêng mình.
Lễ truy điệu cho những người còn sống
Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng nên ngay từ nhỏ chị Phạm Thị Lanh (sinh năm 1950) thôn Tân An, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình sớm thấm nhuần lý tưởng cách mạng. Vừa 15 tuổi, chị tự tin viết đơn xin được tình nguyện lên đường nhập ngũ. Do chưa đủ tuổi để xét tuyển, cân nặng không đạt chỉ tiêu, chị đã phải cho thêm đất, đá vào trong các túi quần để đảm bảo đủ cân nặng kèm theo lời nói chắc như đinh đóng cột “các anh không cho em nhập ngũ, em cứ đi theo!”.
Năm 1966, trải qua những tháng ngày huấn luyện, chị được điều động vào tiểu đội phá bom chậm C816, tiểu đoàn 81, đoàn 559. Tiểu đội của chị có nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, núi Nhồi (Thanh Hóa) để đảm bảo cho các đoàn xe đi qua được an toàn.
Với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “tất cả cho tiền tuyến”, “máu có thể đổ, chúng ta có thể hy sinh nhưng đường không thể tắc” tiểu đội của chị sáp nhập với đơn vị Hà Tây tình nguyện tiến sâu vào chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị.
Trên mảnh đất được ví như “túi bom”, là “tọa độ lửa”, là “cửa tử” đó tiểu đoàn của chị phải học cách tháo bom, dò mìn đi trước mở đường đảm bảo cho sự an toàn về người và phương tiện khi bộ đội hành quân qua cung đường này.
“Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” là khẩu hiệu mà bất cứ thanh niên xung phong nào cũng phải tuân thủ. Trước sự khốc liệt của chiến tranh những thanh niên xung phong ấy vẫn thường đùa nhau làm lễ truy điệu trước khi đi làm nhiệm vụ. Câu nói vui đó, chị cũng không bao giờ ngờ rằng nó đã trở thành sự thật.
Chị Phạm Thị Lanh xúc động khi kể về cuộc đời mình |
Cho đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ như in, đó là buổi chiều mùa hè năm 1968, sau khi máy bay địch thả bom tại vị trí ngầm Ta Lê, tỉnh Quảng Bình, chị được giao nhiệm vụ theo dõi xem có bao nhiêu quả bom địch thả xuống, bao nhiêu quả đã phát nổ, bao nhiêu quả vẫn còn.
Đối với những quả bom đã phát nổ gần khu vực giao thông đi lại, lực lượng thanh niên xung phong có nhiệm vụ lấp hố bom thật nhanh để làm đường cho xe đi qua. Tuy nhiên, sau khi 3 chiến sỹ thuộc tiểu đội của chị mang quốc, xẻng đến để lấp hố bom thì phát hiện đó là quả bom từ trường. Đây là loại bom có lắp ngòi nổ không tiếp xúc, hoạt động theo nguyên lý cảm ứng từ trường; dùng để diệt các mục tiêu có tính nhiễm từ như sắt, thép... Các đồng đội của chị chưa kịp trở tay thì quả bom phát nổ.
Quên cả nỗi sợ hãi, chị và mọi người chạy lại bới tung đất cát, cây gãy đổ để kiếm tìm đồng đội. Chị vẫn nhớ như in ngày đó, trời Quảng Trị bỗng đổ mưa tầm tã, manh chiếu thay áo bào bọc lấy những thi hài không còn nguyên vẹn đưa các anh về với đất mẹ vĩnh hằng.
Trong những lần hành quân, địch bắn phá ác liệt, chị và đồng đội lội bì bõm, ngâm mình dưới dòng nước làm cọc tiêu sống để đoàn xe đi qua. Tay cầm cờ vẫy vẫy, tác phong nhanh nhẹn, các chị luôn đi trước xe vài mét đánh hiệu, lúc sang phải, khi sang trái để điều khiển xe xuống ngầm.
Trong năm 1968, cũng trên ngầm Ta Lê chị Lanh bị trọng thương khi đang lấp hố bom cho xe đi qua. Đầu bị thương, toàn bộ phần trước ngực bị bom cày nát, đồng đội của chị phải dùng khăn quấn chặt lại. Phần bị thương ở bụng phải dùng đến chiếc bát ăn cơm hàng ngày úp vào để ngăn các bộ phận bên trong không xổ ra ngoài. Toàn bộ phần đùi và hai cánh tay cũng bị thương nặng.
Nỗi niềm người tìm vợ cho chồng
Chiến tranh kết thúc, năm 1975 chị rời quân ngũ với chế độ thương binh hạng ¾, thương tật 41%. Năm 1976 chị lập gia đình. Chồng chị làm công nhân cho một công ty than ở Quảng Ninh, còn chị ở nhà buôn bán rau cỏ. Ở ngoài chiến trường chị là một người lính can đảm, ở nhà chị là một người vợ mẫu mực, đảm đang.
Hạnh phúc gia đình càng thêm bền chặt khi chị mang thai đứa con đầu lòng. Đến kỳ sinh nở, chị hạ sinh đứa con đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Hòn Gai. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, do di chứng chất độc da cam nên cháu bé mất ngay sau đó.
Năm 1978 chị tiếp tục mang thai lần hai, song ước mơ làm mẹ mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực...
Những vết thương chiến tranh còn in hằn trên con người chị Lanh |
Chị tâm sự: “Bác sĩ khuyên tôi không nên tiếp tục sinh con bởi những năm tháng tham gia chiến tranh tôi đã bị ảnh hưởng chất độc da cam. Tôi thực sự rất buồn và đau khổ, nhưng rồi tôi cũng đành phải chấp nhận”.
Không thể làm mẹ, chị nén nỗi đau riêng, tìm cho chồng một người vợ khác những mong có con cháu nối dõi sau này. Năm 1980, chị về lại Thái Bình sống chung với chị gái, hai chị em nương tựa vào nhau sống nốt những ngày còn lại.
Cảm thông trước số phận đau thương của chị, đã có rất nhiều nhà hảo tâm đến chia sẻ, giúp đỡ. Trong chương trình Người xây tổ ấm thay vì xin giúp đỡ cho mình, chị lại đứng lên xin trợ cấp nhà cho các đồng đội. Nhờ đó mà 6 người đồng đội đã từng một thời cùng chị vào sinh ra tử nay đã có căn nhà để ra vào tránh mưa nắng.
Cuộc đời nhiều đau thương nhưng người phụ nữ đó luôn nghĩ và lo cho người khác trước khi lo cho chính bản thân mình.