Nữ sinh vào viện với 16 vết cắt tứa máu vì ước mơ du học bất thành
Những hình ảnh tự huỷ hoại bản thân |
Cứa tay vì ...thích
TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết, mới đây Viện tiếp nhận trường hợp sinh viên tên Nguyễn Mai L. 21 tuổi bị hội chứng tự hủy hoại mình.
TS Tâm cho biết, bệnh nhân là một nữ sinh viên năm thứ 2 ở Hà Nội, gia đình có hai người con, hiền lành, dễ xúc động, học tốt các môn xã hội.
Ngay từ khi chuẩn bị kết thúc THPT, cô đã có mong đi nước ngoài du học, tuy nhiên vì kinh tế không cho phép nên ước mơ không thể thực hiện được. Mặc dù, nữ sinh này chấp nhận nhưng luôn trăn trở, dằn vặt, lúc nào cũng tâm tư với mong muốn đi du học nhưng không được đáp ứng. Tâm trạng này kéo dài từ cuối năm học lớp 12 đến năm 2 đại học, bệnh nhân thường xuyên mất ngủ, tức ngực, sống co cụm, biệt lập không chia sẻ với bất kỳ ai.
Tâm sự với bác sĩ, L. cho biết em không biết tâm sự chia sẻ với ai về tâm trạng “ngã ba đường” của mình. Em muốn đi du học thì gia đình không đủ điều kiện, học ở Việt Nam thì khao khát đi cứ cháy bỏng. Chia sẻ với bạn bè thì xấu hổ, chia sẻ với bố mẹ về ước mơ thì lo ba mẹ buồn.
L. bị ức chế cảm xúc, bệnh nhân có hành vi cắt lên cánh tay bằng dao lam. Khi thấy trên tay con xuất hiện các vết thương còn rỉ máu, gia đình vội vàng đưa con đi khám. Đến khi nhập viện, bệnh nhân có tất cả 16 vết cắt, tất cả vết thương nông trên bề mặt chỉ đủ chảy máu.
Khi nói chuyện với bác sĩ, L. rất thoải mái và cô cho rằng không có đau đớn gì. Bác sĩ bảo “để bác sĩ thử cắt thì bệnh nhân không cho”.
Trên thực tế, các vết cắt này không khiến bệnh nhân đau mà chỉ thấy thoái mái trong lòng, bức xúc được giải toả.
TS. Dương Minh Tâm |
Bác sĩ Tâm cho hay, bệnh nhân này mắc hội chứng tự hủy hoại mình. Khi vào viện bệnh nhân được gia đình và các y bác sĩ quan tâm hơn nên không xảy ra các vết rạch trên da. Nhưng bệnh nhân lại xuất hiện những cơn rối loạn phân ly, với mục đích muốn gây sự chú ý, quan tâm của cha mẹ và người thân. Bệnh nhân buộc phải điều trị nội trú với liệu pháp tâm lý và có thuyên giảm.
Một bệnh nhi 9 tuổi khác vừa được bác sĩ Tâm khám khi trên đầu trọc từng mảng tóc vì trẻ thường nhổ tóc, cấu rách da bàn chân.
Qua tìm hiểu, dấu hiệu này xuất hiện ở trẻ gần 1 năm nay. Nguyên do bố mẹ trẻ bận, con thường phải làm bạn với trò chơi điện tử, máy tính và chơi rất nhiều. Thấy con qua ham điện tử, cha mẹ tìm cách cấm cấm, hạn chế trẻ chơi. Điều này khiến trẻ gây căng thẳng, luôn thấy ngứa chân tóc nên đưa tay lên nhổ tóc gây trọc từng mảng tóc.
Thấy con có hiện tượng lạ bố mẹ của cháu bé quan tâm con hơn. Mẹ cháu dành nhiều thời gian cho con đi vui chơi, tập Yoga, học tiếng anh trẻ đỡ tự nhổ tóc mình nhưng cháu lại thích cấu da chân. Cả gan bàn chân cháu cấu choe choét và thấy thích vì điều đó.
Theo phân tích của BS. Tâm, hội chứng xuất hiện bắt đầu từ những đòi hỏi, bức xúc của trẻ không được đáp ứng hoặc giải quyết. Trẻ "xả" bằng cách tự làm đau. Hay gặp nhất là hình thức cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng, có thể cắt ở nhiều vị trí khác; cũng có thể lao đầu vào tường, tự đánh, tát hoặc tự nhổ tóc, cầu rách da hay nhịn ăn.
Kèm theo đó, người mắc hội chứng này còn có hành vi tự ngược đãi về tinh thần đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán, để chịu khổ sở nhưng người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Tuổi teen dễ mắc
Theo bác sĩ Tâm trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình.
Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng tự ngược đãi bản thân ở tuổi teen.
Khi ngược đãi bản thân như thế có hai mục đích là tự huỷ hoại mình và gây chú ý. Đa số trẻ tự huỷ hoại để gây sự chú ý của người khác dành cho mình hơn.
TS Tâm cho biết, dấu hiệu cảnh báo một người nào đó có thể tự làm tổn thương bản thân như: thường xuyên có các vết thương mà không rõ nguyên nhân, giảm lòng tự trọng, dễ căng thẳng, cô đơn, buồn, chán nản, có mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè và người thân, khả năng lao động và học tập kém.
Nét nhân cách dễ bị tổn thương: Nhân cách yếu; Người cầu toàn hay đòi hỏi; Nét nhân cách phô trương; Những người hay lo lắng rất dễ bị hội chứng tự ngược đãi bản thân.