Nữ phóng viên nhận 70.000 USD bị đề nghị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản
Cơ quan Công an cũng đề nghị truy tố 2 người có liên quan cùng tội danh nêu trên gồm Nguyễn Thị Nhâm (37 tuổi, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) và Ngô Văn Tuấn (46 tuổi, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang).
Nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình. |
Theo điều tra, ông Ngô Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang biết rõ những vi phạm so với giấy phép trong quá trình xây dựng của Công ty Luxshare ICT nhưng người này nghĩ có ai đó "bao che" Công ty Luxshare ICT Việt Nam, ông Tuấn trao đổi với Nhâm và đề nghị Nhâm mời phóng viên về tìm hiểu những sai phạm của Công ty Luxshare ICT Việt Nam, tạo áp lực để cơ quan chức năng phải xử lý sai phạm của công ty này. Sau đó, Nhâm giới thiệu, sắp xếp cho Tuấn gặp và nhờ Đào Thị Thanh Bình tìm hiểu, viết bài.
Nắm bắt được các sai phạm của Công ty Luxshare ICT, Bình báo cáo với lãnh đạo Báo Thương hiệu và Công luận, xin cấp giấy giới thiệu đến làm việc tại Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang và Công ty Luxshare ICT.
Thấy phóng viên đến tìm hiểu sai phạm, lãnh đạo Công ty Luxshare ICT đã liên lạc với Bình để trao đổi, xin không đăng báo nhưng nhiều lần trao đổi mà chưa đạt được thỏa thuận.
Sau đó, Bình chủ động trao đổi với Tuấn và Nhâm ý định yêu cầu phía Công ty Luxshare ICT phải chi tiền để đổi lấy sự im lặng. Cả 3 người đã thống nhất mục đích tống tiền, Nhâm tạo zalo nhóm lấy tên “Nhóm bí mật” trên điện thoại di động của cả ba để tiện liên lạc.
Không chỉ có vậy, nhóm này sắp xếp để Nhâm tiếp cận với phía Công ty Luxshare ICT nói chuyện theo hướng để Công ty hiểu phải chi tiền thì mới giải quyết được việc không bị đăng bài sai phạm của Công ty.
Ngày 3/12/2018, Bình bảo Nhâm thông báo số tiền Luxshare ICT phải chi là 100.000 USD và Nhâm liền điện thoại cho đại diện Công ty Luxshare ICT nói rõ mức tiền phải chi.
Thấy số tiền quá cao, đai diện Luxshare ICT nhiều lần thương lượng lại với Nhâm, cuối cùng chốt mức 70.000 USD. Đến ngày 18/12/2018, đại diện công ty Công ty Luxshare ICT thông báo với Bình là Công ty Luxshare ICT chuẩn bị đủ 70.000 và hẹn xuống tòa soạn giao cho Bình.
Bình gọi điện thông báo cho Nhâm và bảo Nhâm cùng ra nhận tiền, nhưng lúc này Nhâm đang công tác ở Lào không về được nên đã cử nhân viên của Công ty của Nhâm là Ngô Thị Liễu đến nhận tiền.
Đến 16 giờ cùng ngày, ngay tại trụ sở tòa soạn báo Thương hiệu và công luận, khi Bình nhận của ông Tăng Duệ Bằng - lãnh đạo Công ty Luxshare ICT 70.000 USD, Bình cầm tiền ra cửa phòng đưa cho Liễu thì bị Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) ập vào bắt quả tang.
Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 170 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau: 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |