Nữ cầu thủ Pakistan từng bị dọa giết nếu tiếp tục đá bóng
Nhờ có nhiều đóng góp cho xã hội, Karishma Ali (23 tuổi) được tạp chí Forbes đề cử trong danh sách 30 Under 30 châu Á năm 2019.
Karishma Ali (23 tuổi) sinh ra ở một ngôi làng hẻo lánh tại Thung lũng Chitral (Pakistan), nơi các thiết bị công nghệ là thứ xa xỉ, Wi-Fi hoạt động chập chờn. Chính những ngày tháng vất vả ở miền quê xa xôi đã giúp cô gái 23 tuổi trưởng thành và có một tinh thần thép.
Khác với sự yên phận như những cô gái trong làng, Ali muốn thay đổi cuộc sống của mình, bất chấp những khó khăn về công nghệ và định kiến của xã hội.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, nữ cầu thủ chuyển đến sống tại thủ đô Islamabad để hoàn thành chương trình đại học. Với Ali, thành thị là một thế giới xa lạ và khắc nghiệt.
Karishma Ali là nhà hoạt động xã hội được nhiều người biết đến ở Pakistan. |
Năm 2019, Ali được tạp chí Forbes đề cử trong danh sách 30 Under 30 châu Á cùng với Naomi Osaka - ngôi sao tennis và Blackpink - nhóm nhạc Kpop đình đám.
Ngoài đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực xã hội, Karishma Ali còn là cô gái đầu tiên tại vùng Chitral chơi bóng đá ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Mục tiêu của Ali là tạo ra sự khác biệt cho nữ giới ở nơi cô sinh ra và lớn lên.
"Mọi thứ thật khó khăn đối với các cô gái ở đây. Họ chật vật để nuôi dưỡng một ước mơ cho riêng mình hoặc làm điều gì đó ngoài những gì mà xã hội mong đợi ở họ", cô nói với CNN.
Định kiến và rào cản
Khi còn là một thiếu niên, Ali thường nhận được những lời đe dọa chết chóc trên mạng khi một số đàn ông ở Chitral biết cô chơi bóng tại Islamabad. Bỏ ngoài tai mọi phán xét, Ali vẫn tiếp tục với đam mê của mình.
Nếu Ali lớn lên trong một gia đình khác, có lẽ bây giờ cô cũng đã kết hôn và sinh con. Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) năm 2019, 5 triệu trẻ em trong độ tuổi tiểu học ở Pakistan không được đến trường, trong đó hầu hết là bé gái.
Năm 2020, HRW nhấn mạnh tảo hôn vẫn là một vấn nạn nghiêm trọng ở đất nước này. Các số liệu của UNICEF cho thấy 21% thiếu niên kết hôn trước 18 tuổi.
"Khi mới lên 8 tuổi, tôi nhận ra một số điều thật sai trái. Tại sao phụ nữ không được phép làm những điều mà đàn ông làm? Mặc dù lúc đó, tôi chưa từng thấy ai làm điều gì đó quá khác biệt nhưng tôi biết nếu có cơ hội, họ sẽ mang lại niềm tự hào cho cả quốc gia, không chỉ cho gia đình hay bản thân họ", Ali khẳng định.
Ali bị kỳ thị, nghi ngờ khi đến với con đường thể thao. |
Ali may mắn có một người cha luôn ủng hộ cô theo đuổi ước mơ và nguyện vọng của mình. Ali cho biết cha là người đã dạy cô chơi bóng và tiếp thêm sức mạnh mỗi khi con gái bị đe dọa. Ông cũng là người đầu tiên xây dựng trường dạy tiếng Anh dành cho nữ sinh trong vùng.
"Ông ấy luôn động viên tôi, mẹ và chị gái của tôi. Ông không bao giờ ngăn cản chúng tôi làm bất cứ điều gì", cô nói về cha mình.
Ước mơ lớn
Khi xem World Cup 2006 cùng cha, Ali đã quyết định con đường này sẽ giúp cô thay đổi cuộc đời. Sau nhiều năm tập luyện, Ali cũng có cơ hội gia nhập một đội bóng ở Islamabad.
"Thời điểm tôi bắt đầu xem bóng đá, đó là lúc tôi biết mình muốn tham gia môn thể thao này. Khi bước lên sân cỏ, tôi quên hết mọi vấn đề trong cuộc sống. Tôi chỉ tập trung vào trái bóng, đồng đội, trận đấu đang diễn ra. Đó là một hạnh phúc không thể giải thích bằng lời", cô gái 23 tuổi nói thêm.
Những nỗ lực của Ali được đền đáp. |
Mười năm sau World Cup 2006, Ali được chọn để đại diện cho Pakistan trong một giải đấu quốc tế. Khi đăng điều này lên trang cá nhân, Ali trở thành mục tiêu công kích từ những người lạ.
“Nếu còn tiếp tục, bọn tao sẽ giết mày khi mày trở lại hoặc chặt bỏ chân của mày” - là một lời đe dọa khủng khiếp nhất mà Ali nhận được.
"Lúc đó tôi chỉ mới 18 tuổi. Tôi từng nghĩ mình nên dừng lại".
Đến khi lọt vào danh sách 30 Under 30 châu Á do Forbes bình chọn, sự gay gắt dành cho cô gái đến từ Chitral mới giảm bớt. Tuy những nỗ lực của cô vẫn chưa được đánh giá cao, Ali vẫn thấy vui vì nhiều người hâm mộ đã công khai ủng hộ cô trên mạng.
Cuối năm 2019, Ali tổ chức thành công một trại bóng đá cho các cô gái trong làng. "Tôi rất ngạc nhiên khi có nhiều bạn nữ đến tham gia. Mục đích của tôi là trao quyền cho những cô gái trẻ này".
Ali tổ chức nhiều hoạt động cho nữ giới tại quê nhà. |
Sau thời gian tạm thời đóng cửa vì Covid-19, câu lạc bộ Chitral - một trung tâm do cô thành lập để khuyến khích trẻ em gái chơi bóng đá - đã hoạt động trở lại.
Nhiều người đến câu lạc bộ của Ali với hy vọng trở thành cầu thủ quốc tế. Một số khác chơi bóng vì muốn quên đi gánh nặng mà gia đình đặt trên vai họ. Ở trong một môi trường an toàn, họ có thể thoải mái nói về mình, tận hưởng những giây phút vui vẻ ít ỏi.
Cùng thời điểm đó, Ali thành lập một trung tâm thủ công mỹ nghệ dành cho phụ nữ. Sáng kiến này đã giúp cô gặp được nữ Công tước xứ Cambridge Kate Middleton khi họ đến thăm Pakistan.
Đồng thời, Ali còn tham dự Tuần lễ thời trang Milan - nơi cô lần đầu tiên được đi catwalk và hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng.
"Một cô gái từ vùng núi được dự tuần lễ thời trang hàng đầu thế giới - một giấc mơ mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới", Ali bày tỏ.
Karishma Ali được sải bước trên sàn catwalk quốc tế. |
Lúc đại dịch bùng phát, Ali cùng cha mình vận chuyển những vật dụng cần thiết đến bệnh viện địa phương và cho người dân kém may mắn.
Tất cả được mua bằng tiền quyên góp thông qua mạng xã hội. Tính đến tháng 8/2020, họ đã cung cấp thức ăn đủ dùng một tháng cho 300 hộ gia đình và hàng trăm vật tư y tế khác.
Vượt qua những khó khăn và biến cố khác nhau, cuối cùng Ali cũng tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh. Cô dự định tạm dừng việc học trong một năm để tiếp tục thực hiện nhiều dự án khác của mình.
"10 năm sau, tôi hy vọng ít nhất 10-20 cô gái nữa giống tôi sẽ quay lại đây giúp đỡ quê nhà sau khi họ đạt được ước mơ. Xa hơn nữa, tôi mong muốn một xã hội tiến bộ, nơi nam nữ làm việc bình đẳng. Họ không phải ép mình trong các phong tục truyền thống và tự do làm những gì họ có thể", Ali chia sẻ.
Theo zingnews.vn