Nông sản miền núi… ra phố!
Chị Tol bán hàng ở chợ Trà Ôn |
Vất vả mưu sinh
Ba năm nay, ngày nào cũng vậy, chị Neáng Tol cũng theo xe đò từ xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên) đến chợ Trà Ôn (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) để bán hàng. Đến nơi khi trời vừa sáng là chị tất bật dọn hàng, nào là đường thốt nốt, măng tre, me dốt, đậu phộng luộc… chất đầy hai đôi quang gánh. “Hôm nào bán đắt thì khoảng 12 giờ trưa là hết. Hôm nào ế, chợ vãng khách thì gánh dọc theo lộ xuống Bình Khánh bán cho hết hàng mới về” – chị Tol cho hay. Bán xong, chị Tol lại hối hả đón xe về Tịnh Biên gom hàng để sớm mai đi chuyến tiếp theo.
Hơn 10 giờ sáng, ở chợ Bình Khánh, gánh hàng của cô Neáng Thum đến từ ấp Pnôm Pi (xã Châu Lăng, Tri Tôn) chỉ còn một ít khổ qua tây, măng le và me sống. Cô Thum cho biết, hôm nay là ngày bán đắt nên có thể về sớm. Trước đây, một số phụ nữ Khmer thường gánh hàng đến các chợ vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên bán, dần dà họ “mở rộng thị trường” đến Châu Đốc, rồi xuống tận trung tâm TP. Long Xuyên. “Mình đi xe mối quen nên họ cũng ăn rẻ hơn. Hai bận đi xe hết 70.000 ngàn đồng. Trừ tiền vốn mua hàng và tiền xe, mình cũng còn lời được từ 70.000 – 80.000 ngàn đồng” – chị Tol chia sẻ. Tuy không cao nhưng đây là việc làm mang lại thu nhập thường xuyên, giúp không ít gia đình như chị Tol hay cô Thum trang trải cuộc sống.
Bán hàng “đặc sản”
Nắm bắt được nhu cầu mua hàng đặc sản miền núi của khách hàng phố thị ngày càng tăng nên càng ngày có nhiều phụ nữ gánh hàng trên núi về phố bán. Ngoài những mặt hàng có thể mua đi bán lại quanh năm như me Thái, trái mây thì măng rừng, su núi, tiêu núi, đường thốt nốt, trái trâm chín… đều được mang xuống theo mùa. “Vụ này, măng núi đang thu hoạch rộ, giá cả thấp mà người thành phố lại ưa nên bán được. Hôm nay, tôi bán được hơn chục ký măng” – cô Thum nói.
Theo những khách mua hàng, hàng hóa bán gánh của phụ nữ Khmer sắp xếp rất ngăn nắp, họ có tuyển lựa nên khách dễ dàng chọn lựa. Đặc biệt là sản phẩm đúng chất lượng nên được ưa chuộng, khách hàng thường là những mối quen và ít khi trả giá. “Mùa này, măng có giá khoảng 10.000 đồng/kg, trong khi đó phụ nữ Khmer mang măng núi xuống bán chỉ 8.000 đồng/kg, rẻ mà lại ngon” – chị Hồng, một khách hàng nhận xét.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ dù mưa, hay nắng đều gánh hàng xuống tận chợ thành phố để bán, nhiều người trong số họ là lao động chính trong gia đình. Với đôi gánh, gồm 2 cái lộng, 2 cái xề và 1 chiếc đòn (tất cả đều làm bằng tre), bên trên là một loạt các mặt hàng xứ núi, giữa phố thị ồn ào, nhộn nhịp, cách mua bán của chị em không pha lẫn vào đâu được.
Tại các chợ TP. Long Xuyên và Châu Đốc ngày càng có nhiều phụ nữ Khmer từ vùng Bảy Núi gánh hàng xuống bán, góp phần đưa nông sản miền núi đến phố chợ, tạo kế mưu sinh với nguồn thu nhập ổn định.
Theo An Giang online