Nỗi xúc động nàng dâu lấy chồng 10 năm được về nhà mẹ đẻ ăn Tết
Ăn tết nhà nội hay nhà ngoại là chuyện không phải ai cũng giải quyết được. |
Lời nói thật tưởng như đùa
Chị Nguyễn Thị Hường sinh năm 1987, quê ở Thái Thụy, Thái Bình lấy chồng ở thành phố Hạ Hòa, Phú Thọ. 10 năm đi làm dâu, chưa bao giờ chị về nhà trong dịp Tết vì việc nhà nội bận bịu, đi lại thì khó khăn.
Chị Hường kể chồng chị là trưởng, sống cùng bố mẹ chồng. Họ đã ngoài 70 tuổi nên việc cúng cáp, chăm lo hương khói trong ngày Tết là việc của chị không thể ai thay thế. Chồng chị cũng nói thẳng từ ngày đầu là lấy chồng phải ăn Tết ở nhà chồng.
Việc về ngoại chỉ đi vào dịp nghỉ hè, nhà có công việc thì anh chị phân công nhau đi. Nhưng cứ đến dịp Tết đến xuân về là lòng chị lại nổi giông bão.
Nhiều lần đón giao thừa chị đã khóc. Những câu chuyện đầu năm trong gia đình chồng dù đã làm dâu nhiều năm chị vẫn không thể nào hòa nhập được. Chị cứ đếm từng năm, từng năm mà thấm thoắt đã 10 năm không ăn Tết với bố mẹ đẻ.
Chị kể 10 năm chị thèm cảm giác cùng bạn bè đi chơi đến qua giao thừa về nhà đón xuân cùng cha mẹ, cả nhà nói vài câu chuyện đầu năm và chị thương bố mẹ mình có con gái gả chồng xa chẳng khác nào mất con. Đêm giao thừa, cứ nghĩ mẹ chị đang một mình chuẩn bị mâm cỗ chị lại rơi nước mắt.
Đến năm ngoái, các con lớn hơn chút, chồng chị lên báo đọc về những câu chuyện ăn Tết ở nhà bố mẹ đẻ, rồi ở cơ quan anh nghe được chuyện của các đồng nghiệp sao đó mà tự nhiên, anh xin phép ông bà nội được về nhà ngoại ăn Tết 1 lần. Câu nói của chồng chị Hường tưởng đó chỉ là câu nói đùa vì không đời nào cả nhà chồng cho gia đình chị về ngoại ăn Tết. Nhưng đến 23 tháng Chạp, cúng ông Công, ông Táo xong, bố mẹ chồng chị giục chị chuẩn bị mua quà Tết để khi các con nghỉ Tết thì cả nhà về nhà ngoại đến mùng 4 rồi lên.
Nghe bố mẹ chồng nói, chị không tin vào tai mình. Chỉ khi ông bà nói hãy về ăn với ông bà vì bố mẹ nào cũng là người sinh ra mình. Ông bà còn chuẩn bị chút quà để gửi tết thông gia chị mới tin đó là thật.
Cảm xúc 10 năm
Đến 27 Tết, cả nhà chị 4 người ra bắt xe khách về quê ngoại. Cái Tết đầu tiên sau 10 năm xa quê khiến chị Hường hồi hộp từ lúc đi trên xe. Về đến nhà, nhìn bố mẹ ra đón gia đình chị từ ngoài đường quốc lộ, nước mắt chị cứ rưng rưng ngỡ như xa quê đã rất lâu.
Việc đầu tiên chị làm khi về ngoại ăn Tết đó ra ra nghĩa trang của thôn để thắp cho hương cho ông bà, các cụ những người đã khuất bởi ngày còn nhỏ, chị vẫn cùng bố ra dọn mộ, thắp hương mời các cụ về.
Chị làm giúp mẹ tất cả những thứ mà ngày thanh niên chị chưa làm chỉ đến khi lấy chồng chị mới biết.
Đêm giao thừa, chị cùng cả gia đình ra chùa rồi về nhà uống trà, ăn mứt, hàn huyên. Bố mẹ chị cũng vui hơn hẳn vì có cô con gái duy nhất về nhà ăn Tết nên ông bà lúc nào cũng cười nói rôm rả. Nếu như Tết trước, bố chị sẽ đi đánh tổ tôm, tam cúc đến qua giao thừa mới về thì năm nay ông ở nhà chơi cùng cháu ngoại. Cả nhà cùng chuẩn bị mâm cúng giao thừa.
Cả Tết, chị đi đến nhà họ hàng thăm Tết. Đưa các con đến thăm bà con vào ngày đầu xuân, theo chị, chỉ những cô gái lấy chồng xa như chị mới cảm nhận được nó xúc động như thế nào.
Đến mùng 4 Tết, chị và gia đình quay về nhà nội. Về nhà bố mẹ chồng chị cũng đã chuẩn bị hóa vàng. Mẹ chồng chị hỏi han chuyện ăn Tết nhà ngoại. Bà thấy chị vui, chồng chị cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc của vợ nên ông bà cũng thống nhất nếu ông bà chưa khuất núi thì 3 năm gia đình chị về ngoại ăn tết một lần.
Chị Hường kể, chồng về ăn Tết nhà ngoại thấy vui nên có vẻ cũng thích về nhà ngoại nhiều hơn. Ông bà nội ngoại cũng gọi điện thăm nhau nhiều hơn. Còn chị, chị tự nhủ sẽ cố gắng làm người con dâu tốt hơn, lo chu toàn cho gia đình nhà chồng để không phụ sự yêu thương của bố mẹ chồng và chồng mình.