Nỗi niềm cử nhân chạy xe ôm công nghệ để bám trụ thành phố
Vài năm trở lại đây, nhiều sinh viên ngoại tỉnh lựa chọn việc làm thêm là chạy xe ôm công nghệ, làm shipper (giao hàng) để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Thế nhưng, điều đáng bận tâm là có những người đã tốt nghiệp đại học, cầm trong tay tấm bằng cử nhân, tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn phải tiếp tục gắn bó với những công việc này như một giải pháp để bám trụ lại thành phố lớn.
Cử nhân chạy xe ôm công nghệ
Tốt nghiệp đại học đã hơn 1 năm nay nhưng N.Đ.Đạt (sinh năm 1997, quê Hà Tĩnh) vẫn đến trường hàng ngày. Tuy nhiên, Đạt đến trường không phải để học mà để đón khách "book xe" (đặt xe ôm công nghệ).
Đạt chạy xe ôm công nghệ chờ cơ hội việc làm phù hợp chuyên ngành đã học. |
Ra trường với tấm bằng cử nhân chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Đạt hy vọng rằng với kiến thức tích lũy sau 4 năm trên ghế nhà trường cộng với niềm khao khát cống hiến của tuổi trẻ sẽ sớm tìm được công việc ổn định, phù hợp chuyên môn. Vậy nhưng thực tế lại không được như mong đợi.
Đạt chia sẻ: "Từ lúc ra trường mình cũng đã xin việc ở nhiều nơi nhưng đều không trúng tuyển. Trong lúc đợi các cơ hội khác mình đành chạy xe như thế này”.
Đạt luôn muốn được nhận vào làm tại các doanh nghiệp tư nhân, từ đó trau dồi, tích lũy kinh nghiệm để có thể hướng tới những mục tiêu trong tương lai như dự định Start-up (khởi nghiệp).
Giấc mơ tuy lớn lao nhưng hiện tại Đạt vẫn phải “nếm bụi”, phơi mình dưới nắng nóng 40 độ C cả ngày ngoài đường để trước mắt lo đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Không chỉ riêng Đạt, đây cũng là thực trạng của nhiều cử nhân ngoại tỉnh khác khi chưa có cơ hội việc làm phù hợp.
Học tập, rèn luyện chăm chỉ những năm học trung học phổ thông để được lên học đại học ở thủ đô Hà Nội, phần lớn sinh viên ngoại tỉnh đều mong mỏi sẽ bám trụ lại nơi đây, kiếm một công việc tốt không chỉ để lo cho bản thân mà còn giúp đỡ gia đình ở quê nhà.
"Đôi khi mình cũng tính về quê nhưng ở quê cơ hội công việc còn ít hơn ở trên này. Hơn nữa mình cũng không muốn học xong rồi nhưng vẫn ăn bám bố mẹ" - Đạt nói.
Công việc chở khách mỗi ngày của Đạt. |
Lựa chọn ở lại thành phố đồng nghĩa với việc những cử nhân này chấp nhận tiếp tục làm công việc trái ngành trái nghề, thậm chí là công việc tay chân nặng nhọc.
Theo thống kê mới nhất, hiện nay có hơn 100.000 cử nhân đại học đang thất nghiệp, trong số đó không ít người lựa chọn chạy xe ôm, làm shipper giống như Đạt.
Việc chạy xe ôm cả năm trên những cung đường không biết có đưa Đạt tới điểm đến mong muốn hay không?
Cần linh hoạt tìm kiếm cơ hội việc làm
Nhắc đến làm thêm đa phần sinh viên sẽ nghĩ ngay đến các công việc tạp vụ, bưng bê hay giao hàng, chạy xe ôm, những công việc đơn giản có lương... mà quên mất điều tối quan trọng là công việc đó có giúp ích gì cho việc nâng cao trình độ chuyên ngành mình theo đuổi không.
Tất cả vấn đề nằm ở sự lựa chọn và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Một số sinh viên tìm việc phù hợp chuyên môn từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Họ sẵn sàng làm những việc trả thù lao thấp để có cơ hội học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nghề nghiệp. Tới khi tốt nghiệp, nhiều người trở thành nhân viên của những doanh nghiệp uy tín, nơi mà chính họ từng thực tập và làm thêm.
Các nguồn cung cấp thông tin việc làm hiện nay cũng rất phong phú. Các bạn sinh viên có thể tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp là sự hỗ trợ, tư vấn của nhà trường, các tổ chức đoàn, hội.
"Mình chứng kiến rất nhiều trường hợp các bạn vào công ty mình với tấm bằng rất đẹp nhưng làm được 1,2 năm, thậm chí 6 tháng các bạn đã xin nghỉ vì thấy không phù hợp với công việc hoặc thấy bản thân làm tốt một công việc khác mà không liên quan gì đến chuyên ngành.
Các bạn sinh viên bây giờ có rất nhiều cơ hội để làm việc, thậm chí làm cho các công ty lớn, điều quan trọng là các bạn phải dám kiên trì và bước ra khỏi vùng an toàn của mình” - chị Hà Ngọc Thúy, Trưởng bộ phận tuyển dụng Công ty Nestle Việt Nam cho biết.
Thế Bách