Lynk Lee bị miệt thị - lý do phải đấu tranh cho cộng đồng LGBT
Dù thái độ của xã hội đối với cộng đồng LGBT ở nhiều nước đang ngày một tích cực hơn, sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn đó, thậm chí còn tồi tệ hơn ở rất nhiều nơi.
Lần đầu trở lại sân khấu ca nhạc với diện mạo mới, ca sĩ Lynk Lee, người vừa công khai chuyển giới vào đầu tháng 4 vừa qua, hào hứng khoe loạt ảnh trang điểm đậm, tự tin diện váy ôm, đi giày cao gót lên trang cá nhân.
Bên dưới bài đăng, nhiều người để lại bình luận khen ngợi vẻ ngoài và tán dương sự dũng cảm của giọng ca Không dám. Nhưng cùng với đó, rất nhiều bình luận còn lại đầy ý miệt thị người chuyển giới. Họ không ngại dùng những từ ngữ xấu nhất để chì chiết, xúc phạm Lynk Lee.
Hơn 30 năm trước, quốc gia đầu tiên trên thế giới, Đan Mạch, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Năm 2001, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh tâm thần tại Trung Quốc. Và năm 2011, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết đầu tiên bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT.
Trong nhiều năm qua, những thành tựu liên quan đến việc đòi quyền lợi, bình đẳng cho LGBT không ngừng được nhắc đến, khiến nhiều người cho rằng đã đến lúc các cuộc đấu tranh với cờ cầu vồng lục sắc nên dừng lại.
Lynk Lee trở lại sân khấu với diện mạo mới sau chuyển giới. Ảnh: FBNV. |
Thế nhưng, nghiên cứu được thực hiện với 400.000 người tại 80 quốc gia vào năm 2017 của Amy Adamchot, giáo sư Xã hội học và Tư pháp hình sự, Đại học New York (Mỹ), chỉ ra rằng dù thái độ của xã hội đối với cộng đồng LGBT ở nhiều nước đang ngày một tích cực hơn, sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn đó và thậm chí còn tồi tệ hơn ở rất nhiều nơi.
Năm 1996, chỉ có 6 quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. 17 năm sau, 43 nước đã làm điều này. Tuy nhiên, cùng lúc đó, số lượng các quốc gia đưa ra các lệnh cấm, hình phạt với đồng tính luyến ái ngày càng tăng và mức độ cũng nghiêm trọng hơn.
Người đồng tính bị tấn công
Tháng 4/2019, Brunei chính thức áp dụng luật Sharia đối với những người theo đạo Hồi tại quốc gia này (tương đương khoảng 250.000 người, chiếm 65% dân số).
Theo đạo luật này, những người quan hệ tình dục đồng tính có thể bị tử hình bằng cách cho ném đá đến chết, được xếp chung với tội ấu dâm, cưỡng hiếp, ngoại tình.
Sharia vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet miêu tả đây là đạo luật “hà khắc”, “vô nhân đạo”. Trong khi đó, cộng đồng LGBT tại Brunei phải nghĩ đến việc chạy trốn khỏi đất nước này.
Tại nhiều nơi, người đồng tính có thể bị kết án tù, xử tử. Ảnh: Lab. |
Người chuyển giới nữ (nam thành nữ) Zain đã sống trong sợ hãi kể từ khi nghe về dự thảo luật Sharia vào năm 2013. Đến năm 2018, cô quyết định trốn khỏi Brunei và xin tị nạn ở Canada.
“Theo luật Sharia, tôi sẽ bị phạt và ngồi tù bất cứ lúc nào. Tôi muốn sống một cuộc đời theo cách của chính mình, theo đúng nghĩa là một người phụ nữ”, Zain nói.
Không chỉ Brunei mới có đạo luật hà khắc đối với cộng đồng LGBT, hơn 10 quốc gia khác như Arabia Saudi, Afghanistan, Indonesia, Sudan, Iran, Nigeria, Yemen, Mauritanie cũng có những điều luật tương tự.
Theo Hiệp hội đồng tính, song tính, chuyển giới và lưỡng tính quốc tế (ILGA), hiện vẫn còn 73 trong tổng số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới quy định đồng tính luyến ái là phạm pháp, 69 quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng tính.
Luật pháp thay đổi nhưng tâm lý kỳ thị không thay đổi
Thế nhưng, ngay tại những quốc gia sớm hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, bảo hộ quyền của cộng đồng LGBT bằng pháp luật cụ thể, sự kỳ thị với người thuộc thế giới thứ 3 vẫn tồn tại.
Brazil hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính từ năm 2013. Tuy nhiên, đây lại là quốc gia Mỹ Latin có số người LGBT bị sát hại nhiều nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2018, hơn 300 người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Brazil đã bị sát hại.
Theo số liệu thống kê của Grupo Gay da Bahia (tổ chức LGBT lâu đời nhất của Brazil), trung bình cứ 19 giờ sẽ có một tội ác nhằm vào cộng đồng LGBT.
Tương tự, Hà Lan cũng là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới, song thực tế 10 năm qua số trường hợp lạm dụng, chống đối cộng đồng LGBT lại không ngừng tăng lên.
Cộng đồng LGBT nỗ lực đấu tranh để đòi quyền lợi và công bằng. Ảnh: Fortune. |
Năm 2019, Hà Lan xếp thứ 10 trong số các quốc gia châu Âu về bình đẳng, không phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT, theo Hiệp hội đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới quốc tế.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nước này đã ghi nhận hơn 1.500 vụ việc kỳ thị, tấn công LGBT trong năm 2017, so với con số dưới 500 vào năm 2009.
Còn tại Mỹ, vụ xả súng tại câu lạc bộ dành cho những người đồng tính Pulse khiến 50 người tử vong vào năm 2016 được xem là vụ xả súng thảm khốc nhất trong lịch sử nước này.
Bất chấp những điều luật bảo vệ LGBT hay những kết quả nghiên cứu, dữ liệu khảo sát khả quan về sự thừa nhận của cộng đồng với người đồng tính, song tính, chuyển giới, tỷ lệ tự tử của người đồng tính và song tính cao gấp 3 lần người dị tính.
Hơn một nửa số người chuyển giới nam và 29,9% số người chuyển giới nữ trong độ tuổi thanh thiếu niên tại Mỹ từng tìm cách tự sát.
Theo zingnews.vn