Nỗi đau xé lòng mang tên lao động “chui”
Nỗi đau xé lòng
Mai táng nạn nhân Hùng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tử nạn trong vụ chìm tàu tại Trung Quốc |
Những ngày này, miền đất nghèo miền Trung nắng gió lại phải gánh chịu nỗi đau xé lòng khi tin dữ từ phương xa bay về cho biết nhiều lao động tử nạn do sự cố chìm tàu tại Trung Quốc.
Theo đó, vào cuối tháng 2/2017, nhóm lao động gồm 23 người ở các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Giang, Hải Phòng liên lạc với nhau rồi tập trung gặp nhau tại Hà Nội. Sau đó, mỗi người đóng một khoản tiền từ 40 đến 50 triệu đồng cho một người ở Bắc Giang để đưa sang Trung Quốc.
Sau khi sang Trung Quốc, đến chiều 31/3, nhóm người này mua một con tàu biển cũ để đi sang lãnh thổ Đài Loan, tuy nhiên khi ra giữa eo biển ở Chu Hải (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) thì không may gặp nạn.
Anh Đào Sỹ Hùng (30 tuổi, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) bị tử vong trong sự cố chìm tàu tại Trung Quốc, đã được đưa về quê vào sáng ngày 6/7.
“Mang tiếng đi lao động nước ngoài, thực chất đi “chui” sang Trung Quốc để làm ăn kiếm tiền, nuôi gia đình. Đi chui thì theo nhóm, theo bạn, không phải qua thủ tục nên tiền lệ phí không đáng bao nhiêu. Nghĩ cần tiền, nên gia đình đánh liều một phen. Không ngờ, hôm nay nhận cái kết đau thương này. Tôi hối hận lắm!” – ông Đào Hữu Thiện (trú tại thôn Tân Phong, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bố nạn nhân Đào Sỹ Hùng (tử vong trong vụ chìm tàu ở Trung Quốc) đau lòng nói.
Ông Thiện tâm sự, “Đến mãi khi nó sang bên Trung Quốc thì ở nhà tôi mới biết nó đi hình thức “chui”. Từ đó, ngày nào tôi cũng lo lắng. Gọi điện liên lạc suốt nhưng không được”.
Theo ông Thiện kể: Anh Hùng đi ngày 26/2. Trước lúc đi cháu cũng không nói là đi theo hình thức nào, chỉ thấy liên lạc với một người tên Minh ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Trên đường từ nhà ra đến Hà Nội, khi sang Trung Quốc để chuẩn bị lên thuyền sang Đài Loan cháu có gọi điện về, sau đó thì mất liên lạc luôn.
Anh Hùng đã có gia đình, 1 vợ và 1 cậu con trai 9 tuổi. Theo chị Hồ Thị Tiếp (30 tuổi, vợ Hùng) cho biết: “Trước đó, anh cũng đi xuất khẩu Đài Loan nên cũng có được một ít vốn về xây nhà. Do tâm lý nghĩ quen địa bàn, chịu vất vả nên anh mới tự liên lạc với nhóm bạn ở các tỉnh khác để đi sang Trung Quốc. Tất nhiên, họ tự nhủ nhau đi, anh ấy đi thế nào đều giữ kín không cho tôi biết, tôi chỉ ngầm hiểu sự việc thôi”.
“Giờ anh đã mất, để lại 2 mẹ con và người thân, tôi thật sự hối hận. Biết thế, ngày trước… tôi là vợ tôi phải nhạy cảm điều đó, giữ chân anh lại. Tất cả vì đồng tiền!” – chị Tiếp khóc nức lên từng tiếng.
"Chúng tôi chưa nắm được thông tin về việc này"
Hình ảnh người nhà nạn nhân và bàn thờ lao động Hoàng ở Nam Lộc, Nam Đàn. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tương – Trưởng phòng lao động huyện Kỳ Anh cho biết: “Toàn huyện Kỳ Anh, năm 2017 có 868 người lao động tại nước ngoài. Tuy nhiên, đây là con số lao động đi qua con đường chính thống, còn số lao động “chui” thì chúng tôi không thể nắm được”.
Một nguồn tin từ Sở Ngoại vụ Nghệ An cho biết, thông tin ban đầu có 4 người lao động quê ở tỉnh Nghệ An bị thiệt mạng ở Trung Quốc gồm: anh Lê Đình Hiếu (xã Tràng Sơn, Đô Lương), anh Hồ Đức Tiến (xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu), anh Lưu Xuân Hoàng (xã Nam Lộc, Nam Đàn), và anh Nguyễn Phúc Toàn (xã Văn Thành, Yên Thành). Hiện Sở Ngoại vụ Nghệ An đang phối hợp cơ quan chức năng giải quyết sự việc đau lòng trên.
Theo ông Trần Ngọc Bá (trú tại Nam Lộc, Nam Đàn, người nhà nạn nhân) cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo cho một số gia đình nạn nhân để làm thủ tục đưa thi thể người nhà về nước. Số còn lại hiện đang phải chờ để xác minh thông tin, xét nghiệm ADN và làm thủ tục nhận dạng”
Sáng 7/7, trao đổi với PV, ông Trần Đăng Dương – Phó giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An thông tin, hiện Sở chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về các lao động Nghệ An tử vong ở Đài Loan.