Nỗi cay đắng sau "cơn mưa tiền thưởng" của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
Hoàng Xuân Vinh có bất ngờ vì những khoản thưởng "khủng" không? Có lẽ là không. Vài tháng trước khi Olympic khởi tranh, anh cùng đội tuyển bắn súng Việt Nam đã lần đầu tiên có nhà tài trợ, bao gồm một tập đoàn của Hàn Quốc và một nhãn hàng đồng hồ nổi tiếng.
Tổng số tiền mà Xuân Vinh được treo thưởng lúc ấy nếu giành HCV Olympic cũng đã lên tới hơn 2 tỉ đồng. Thế nên, các khoản thưởng liên tục đến trong ít giờ qua hẳn không làm anh ngạc nhiên.
Nhưng nhắc đến tiền thưởng, câu chuyện đầu tư của thể thao Việt Nam lại khiến không ít người hâm mộ cảm thấy có chút gì đó cay đắng. Bởi cho đến vài tháng trước, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội vẫn chưa có một trường bắn ra tấm ra món.
Nếu như các xạ thủ nước ngoài khi mua súng mới có máy để cân chỉnh theo đúng cỡ tay của người cầm thì ở Việt Nam, chủ yếu các xạ thủ tự gọt báng súng bằng phương pháp thủ công là chính.
Bản thân Hoàng Xuân Vinh cũng được ví như một nhà "điêu khắc" khi tự gọt báng súng để vừa với tay mình.
Trên thực tế, bắn súng Việt Nam không đến nỗi không đầu tư cho VĐV. Để chuẩn bị cho Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường đã có chuyến tập huấn tại Hàn Quốc.
Những lần tập huấn như vậy khá tốn kém, thường tiêu tốn chừng 100.000 USD. Tính từ năm 2006 đến giờ, tổng số tiền đã chi cho các chuyến đi như thế này ước tính vào khoảng 1 triệu USD (khoảng 22 tỉ đồng).
Báng súng tự gọt đẽo của một VĐV. |
Theo một lãnh đạo Trung tâm thể thao quân đội, để xây dựng một trường bắn điện tử "xịn" với công nghệ từ Đức chỉ mất khoảng 7 tỉ đồng. Cho dù Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia có cần quy mô gấp đôi thì vẫn kém xa con số 1 triệu USD kia.
Hiện tại cả Lào và Campuchia đã có trường bắn tiêu chuẩn. Còn ở Việt Nam các VĐV vẫn phải trông chờ vào các chuyến tập huấn. Dĩ nhiên, chỉ những người có hi vọng thành tích cao mới được trao cơ hội.
Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia bị chê là lạc hậu. |
HLV đội bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung từng trăn trở: "Cảm giác giữa bia cơ và bia điện tử là hoàn toàn khác nhau, dẫn đến những phản xạ cũng khác nhau. Chính vì thế, xạ thủ nào không thích nghi tốt, sẽ rất bất lợi. Điều đó cũng lý giải vì sao, các xạ thủ trẻ khi đi thi đấu quốc tế thường không có thành tích như mong muốn".
Chiến công của Hoàng Xuân Vinh là kỳ tích với thể thao Việt Nam. Những phần thưởng cho anh rất xứng đáng. Nhưng đến lúc nào, các VĐV bắn súng nói chung mới được "lên đời", để thoát khỏi cảnh phải ròng rã "tập luyện trong tưởng tượng"?
Nguồn TTT