Nỗi bất an trẻ em bị xâm hại tình dục
Thực trạng này ngày càng gia tăng số vụ và có tính chất phức tạp nên việc bảo vệ trẻ em không chỉ phụ thuộc vào việc làm của một số cơ quan chức năng, mà cần phải có sự chung tay của toàn xã hội.
Quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em bằng kiến thức cần thiết đi từ nền tảng không bao giờ là quá sớm đối với trẻ |
Chỉ tính riêng tại Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em, nếu năm 2014 có 27 trường hợp trẻ bị XHTD thì 9 tháng của năm 2015 đã có 29 trường hợp. Điển hình, em N.T.N.T., sinh năm 2000 (Châu Phú) là con trong gia đình nghèo, cha mẹ thường xuyên đi làm thuê, ít có thời gian ở nhà chăm sóc. T. quen một thanh niên mới được 2 tuần thì bị đối tượng này ép quan hệ 2 lần. Không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, T. không hề hay biết mình đã mang thai cho đến khi nhận ra những dấu hiệu khác thường, nghi ngờ về sinh lý, T. mới nói với mẹ và được gia đình chở đi khám… Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận một số trường hợp như: Một em sinh năm 1999 (Chợ Mới) giao cấu dẫn đến mang thai; một trường hợp khác sinh năm 2008 (Tri Tôn) bị xâm hại, được tiếp nhận thông qua cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội huyện. Những sự việc trên khi cha mẹ các em phát hiện thì đã muộn nhưng so ra vẫn còn may mắn vì được Trung tâm hỗ trợ giải quyết, tư vấn tâm lý để ổn định tinh thần, sức khỏe, sau thời gian đã đi học trở lại. Còn những trường hợp vì e ngại, sợ kỳ thị, sợ mang tiếng và nhiều lý do khác nên phụ huynh không đưa con em mình đến cơ quan chức năng thì không ai biết cuộc sống ngày sau của các em sẽ như thế nào.
Đa số những trường hợp trẻ bị XHTD được ghi nhận đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống ở vùng nông thôn, người lớn ít có thời gian chăm sóc. Còn những đối tượng gây án phần nhiều là người quen biết với nạn nhân, quen với cha mẹ hoặc lớn tuổi hơn trẻ rất nhiều. Các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ hoặc đe dọa để thực hiện hành vi phạm tội, trong khi bản thân nạn nhân còn nhỏ tuổi, không có khả năng tự bảo vệ hoặc chưa có ý thức về việc bị xâm hại. XHTD trẻ em không những gây ra cho các em đau đớn, thương tật về thể xác, mà về tinh thần cũng bị tổn hại nặng nề. Kiến thức cho con trẻ về sức khỏe, sinh lý, tình dục không bao giờ là quá sớm, nếu các bậc phụ huynh chủ động trang bị cho con mình đúng thời điểm, “liều lượng” phù hợp và đồng hành theo sự trưởng thành của con trong từng giai đoạn.
Nhìn nhận về thực trạng này, nhiều người đã lý giải nguyên nhân dẫn đến XHTD trẻ em một phần do mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động trực tiếp đến đời sống của từng gia đình, mỗi cá nhân; một phần do nhu cầu hưởng thụ, ích kỷ, hẹp hòi, lối sống thực dụng, buông thả, thích đua đòi ăn chơi và suy thoái về đạo đức dẫn đến các hành vi phạm tội nhằm thỏa mãn nhu cầu dục vọng thấp hèn. Mặt khác, cũng có luồng ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền pháp luật chưa được thường xuyên, sâu rộng trong tầng lớp Nhân dân nên nhiều người làm cha, làm mẹ thiếu hiểu biết pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng, dẫn đến thiếu kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong cách giáo dục con cái, phổ biến ở nông thôn vẫn là kiểu đánh đập, de dọa đòn roi hoặc nuông chiều quá mức, phụ huynh cư xử thiếu tế nhị trước mặt con cái. Kết quả là trẻ không có một hình mẫu chuẩn mực để học theo, chỉ bắt chước phim ảnh, những thành phần xấu trong xã hội và đi vào những con đường tiêu cực. Trong cách bảo vệ con, nhiều bậc phụ huynh vẫn nghĩ con mình còn nhỏ, “những chuyện đó thì biết gì mà nói” nên thường e ngại hoặc không đề cập đến. Tâm lý tò mò, hoặc thiếu hiểu biết, không có kỹ năng tự vệ cần thiết khiến trẻ trở thành nạn nhân XHTD.
Việc cần làm ở mỗi địa phương hiện nay là quan tâm công tác chăm lo giáo dục trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ. Các bậc cha mẹ phải thường xuyên gần gũi, giáo dục, quản lý tốt con trẻ, gạt bỏ mặc cảm, dư luận khi có con em bị xâm hại để tố cáo thủ phạm ra trước pháp luật. Kiến thức và kỹ năng sống cần thiết cho trẻ nên được tăng cường vào trong nhà trường để giúp trẻ hình thành ý thức, hiểu biết bảo vệ bản thân. Bảo vệ trẻ em và phòng, chống tội phạm XHTD trẻ em là việc cấp bách nhưng vẫn còn lâu dài cần cả xã hội hợp sức thực hiện.
Bài, ảnh: MỸ HẠNH/Báo An Giang Online