Hàng ngày, cứ khoảng 2-3h sáng, người dân Phú Thượng lại dậy nấu xôi. Vài tiếng sau, những thúng xôi nóng hổi, thơm phức được đặt lên xe, chở đi bán khắp phố phường.
LTS:Với hàng trăm hộ gia đình đang theo nghề nấu xôi và 3 cá nhân được phong nghệ nhân, Phú Thượng là làng nghề hiếm hoi vẫn ngày ngày đỏ lửa, đưa hàng tấn xôi đi khắp thành phố.
Để có kinh nghiệm nấu xôi ngon và tạo dựng được thương hiệu như ngày nay, các thế hệ người dân ở Phú Thượng đã trau dồi, đúc rút được nhiều kỹ năng trong từng công đoạn chế biến.
Người xưa có câu: "Làng Gạ có gốc cây đề/Có sông tắm mát, có nghề nấu xôi". Người dân thôn Kẻ Gạ xưa, nay được đặt tên là làng Phú Gia, thuộc phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) nức tiếng với nghề nấu xôi. Bao năm nay, nghe đến xôi Phú Thượng, người ta lại nhớ đến những hạt gạo dẻo, thơm.
Người dân sinh ra và lớn lên ở Phú Thượng luôn tự hào về dòng nước mát sông Hồng và phù sa màu mỡ của cánh đồng lúa trù phú, hương thơm ngát triền đê ngày trước. Những điều ấy đã làm nên con người Phú Thượng yêu nấu xôi, hết lòng với nghề và xây dựng nghề phát triển như ngày hôm nay.
Bà Nguyễn Thị Loan (66 tuổi) – Chủ tịch Hội làng nghề Phú Thượng cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã chứng kiến ông bà, bố mẹ ngày ngày dậy sớm nấu xôi trên những chiếc chõ, rồi đội lên đầu mang ra phố bán. Bà cũng dần học được cách nấu mà cha ông để lại. Hiện bà không còn rong ruổi bán xôi vỉa hè như trước, nghề đã được truyền lại cho các con, các cháu.
Bà Loan kể, cứ 2-3h sáng, cả làng Phú Thượng bật đèn, dậy nấu xôi, đến 4h30, người dân tỏa đi khắp nơi với những thúng xôi trên xe, bán khắp phố phường. Mỗi người ít nhất bán được 20-30kg xôi mỗi ngày.
Theo bà Loan, điều đặc biệt làm nên thương hiệu xôi Phú Thượng, khiến thực khách ăn rồi nhớ mãi đó chính là nguồn nước và gạo dùng để nấu xôi. Ngoài ra, thứ mà chỉ có người con sinh ra ở Phú Thượng mới biết được, đó là bí quyết gia truyền.
Gạo nếp phải được ngâm 6-7 tiếng từ chiều hôm trước tùy theo mùa. Mùa chiêm gạo sẽ được ngâm lâu hơn để đảm bảo độ dẻo khi nấu. Gạo ngâm đủ thời gian sẽ được cho vào nồi nấu. Mỗi nhà có bí quyết nấu xôi khác nhau. Có người chọn đồ xôi tối hôm trước, đến hôm sau đồ lại một lần nữa. Có gia đình chỉ đồ xôi một lần.
Để xôi được dẻo thơm, không bị đọng nước dưới đáy nồi, kĩ thuật căn chỉnh nhiệt, bấm giờ… hết sức quan trọng. Vì vậy, xôi có thể để cả ngày mà không bị khô cứng.
Em trai, em dâu và các con của bà Loan hiện tiếp quản việc nấu xôi của gia đình. Có những ngày lễ, Tết, cả nhà phải hô hào nhau cùng nấu mới đủ trả đơn hàng cho khách. Dẫu vất vả nhưng ai cũng thấy tự hào vì được sống với nghề cha ông. Theo bà, trong làng, không ít người xây được nhà, mua ô tô nhờ bán xôi nhiều năm.
Hơn 50 năm gắn bó với nghề, bà Loan vô cùng tự hào về xôi Phú Thượng. Chứng kiến sự thay đổi và phát triển của làng qua từng năm, bà Loan chia sẻ: “Tôi biết ơn ông bà, cha mẹ đã truyền nghề cho mình, con cháu của mình và giữ nghề cho Phú Thượng được nhiều người biết đến như hôm nay.
Tôi tự hào vì xôi Phú Thượng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm vừa qua, để tôi và người dân trong làng được hết mình với nghề do cha ông truyền lại”.
Rong ruổi từ 5h sáng
Vào một ngày tháng Giêng tại làng nghề Phú Thượng, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (53 tuổi) đã chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời của một người bán xôi lâu năm.
Mỗi ngày, chị Mai đều cần mẫn dậy nấu xôi từ 3h sáng, tới 5h đưa lên xe 20kg xôi, chở đến phố Trung Kính (Hà Nội) để bán. Đây là địa điểm gắn bó với chị hơn 10 năm qua. Những người “hàng xóm” ở con phố này từ lâu đã trở thành người thân quen của chị.
Thúng xôi của chị thường có đủ xôi gấc, xôi lạc, xôi ngô… và các loại đồ ăn kèm như ruốc, vừng, đậu, hành khô… Mỗi gói xôi chị bán thường có giá 10 nghìn đồng. Dưới mỗi thúng có lót một lớp xốp, giấy bạc để giữ nhiệt.
Xôi được đặt trong những chiếc buồm cói, một thúng chia 3 ngăn. Nhờ vậy, dù trời lạnh, xôi vẫn giữ được độ nóng, ấm, dẻo thơm. Xôi Phú Thượng ăn một lần là muốn ăn nữa, lại khá rẻ, no lâu nên nhiều người rất chuộng. Cứ đến khoảng 9h sáng, gánh xôi của chị đã hết sạch. Chị có thể ra về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho buổi chiều tối.
Năm 1988, vì không thi đỗ đại học nên chị Mai quyết định về nhà theo nghề bố mẹ. “Tôi nhớ lần đầu quyết định đi bán xôi vỉa hè là năm 2011. Thông qua một người quen, tôi được giới thiệu lên địa chỉ hiện tại và thấy khá ưng ý.
Lúc đó, chỉ có một mình nên tôi khá ngại. Tôi xin phép chủ nhà cho mình ngồi bán nhờ và thật không ngờ, sự giúp đỡ ấy đã khiến tôi bén duyên với nơi này hơn 10 năm. Có những khách hàng coi tôi là người quen, sáng ra không ăn là lại thấy thiếu thiếu”, chị chia sẻ.
Trước đây, khách chủ yếu là sinh viên. Hiện tại, trường chuyển vị trí, sinh viên thuê trọ trong ngõ cũng thưa nên lượng khách đến với chị không nhiều như trước. Nhiều lúc chị Mai cũng định đổi địa điểm bán hàng để có thêm khách, nhưng lại không đành vì mọi người ở đây rất yêu quý, coi chị như người nhà.
Gánh xôi của chị Mai được nhiều khách hàng ưa chuộng
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (45 tuổi) cũng là đời thứ 3 trong nhà tiếp nối nghề nấu xôi Phú Thượng và hiện trở thành một trong những người nấu xôi có tiếng ở làng. Chị Hạnh kể, từ khi còn học cấp 2, chị đã phụ bố mẹ nấu xôi. Với tinh thần yêu nghề truyền thống, chị đam mê nấu xôi, coi đó là công việc chính giúp gia đình mưu sinh.
28 năm qua, cứ 5h sáng, chị Hạnh lại chở thúng xôi đi bán trên phố Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội).
“Mỗi ngày mình dậy từ 3h sáng để đồ xôi, đến 5h mình bắt đầu đưa lên xe chở đến địa điểm bán. Ngày nào mình cũng bán tầm 30kg xôi, hết hàng mới về. Thời gian đầu, việc tìm địa điểm bán hết sức khó khăn vì phải đi khảo sát vị trí, thương lượng xem có được ngồi không. Sau đó, mình phải bán thử để xem lượng khách. Khi cảm thấy khách khả quan, mình mới tiếp tục ngồi”, chị Hạnh chia sẻ.
Những chiếc buồm cói được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày để đựng xôi
Nghề nào cũng có những nỗi vất vả riêng, nghề nấu xôi cũng vậy. Nhiều năm làm nghề, chị Hạnh cho biết sức khỏe bị ảnh hưởng khá nhiều. Mỗi ngày, chị đều phải thức khuya, dậy sớm, ngồi vỉa hè để bán hàng đến 9-10h sáng. Dù trời nắng hay mưa, chị cũng không ngại bởi còn những vị khách hàng quen đang chờ.
Bán hết, chị lên xe về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi. Buổi chiều, chị ngâm gạo, chuẩn bị cho buổi tối, đêm. Chính vì vậy, sức khỏe của chị sa sút nhiều. Ngồi nhiều một chỗ, xóc gạo, bê đỡ gánh xôi… khiến đốt sống bị ảnh hưởng, trượt đốt sống. Thật may, chồng luôn ở bên hỗ trợ, giúp chị những công việc nặng nhọc.
Hiện tại những công việc nặng nhọc sẽ do anh gánh vác. Chị phụ trách việc chở xôi đi bán.
“Nếu không có chồng, một mình tôi không thể gồng gánh được việc này. Vất vả thế, khó khăn thế nhưng vì mưu sinh, tôi vẫn luôn tâm niệm phải cố gắng hết mình, giữ nghề truyền thống của cha ông. Tôi luôn tự hào vì mình là người con của Phú Thượng, được vinh danh là một trong những người nấu xôi giỏi của làng”, chị nói.
Kỳ sau: Sinh ra từ làng, những chàng trai 9X cưỡi xế hộp tiền tỷ đi bán xôi ở vỉa hè
Ngày 17/11, sự kiện giới thiệu dự án Sun Urban City với chủ đề “Sắc màu miền di sản” diễn ra tại Hà Nội thu hút hơn 700 nhà đầu tư và chuyên viên kinh doanh BĐS miền Bắc.
Với những ai có tình yêu với mùa thu Hà Nội thì không thể không nhớ đến cốm làng Vòng - một món ăn, đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, nhất là với khách du lịch nước ngoài.
Với hơn 11.000 vỏ hộp sữa đổi trong 2 ngày hội Việt Nam Xanh, khách hàng nhận lại gần 600 phần quà xanh, 200 chậu cây và 30 vé đi tham quan trang trại được Vinamilk trao tặng.
Cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, đóng BHXH đủ 15 năm trở lên, nếu tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu và được hưởng nhiều trợ cấp khác.
Sổ tiết kiệm 310 triệu đồng, bộ cốc thương hiệu, ô cầm tay, áo mưa, hàng trăm ngàn voucher giảm giá cùng những lời cảm ơn dễ thương, thú vị là những hoạt động đặc biệt tri ân khách hàng của SHB nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập.
Phía tây Hà Nội với vị thế trung tâm kinh tế - hành chính mới luôn giữ vị trí “quán quân” về nguồn cung và giao dịch trên thị trường bất động sản. Những năm gần đây, “cán cân” thị trường lại nghiêng về phía đông thành phố.