Niềm vui nhận quà 8/3 là 20kg gạo của vợ Thiếu tướng
Ngày Quốc tế phụ nữ, bà Phạm Thị Trọng – vợ Thiếu tướng Lê Năm có cuộc chia sẻ với PV Infonet về kỷ niệm sâu đậm nhất khi bà được nhận quà trong ngày lễ 8/3 cách đây 25 năm.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị Trọng cho biết: "Tôi và anh Năm cùng làng, hai nhà cũng gần nhau. Khi lớn lên gắn bó với việc chăn trâu, cắt cỏ, làm phụ hồ… đủ thứ nghề. Anh ấy ngỏ lời yêu tôi nhưng tôi chưa bao giờ cầm tay anh ấy, dù thời gian yêu nhau được hai năm sau đó cưới. Tôi rất dứt khoát quan điểm của mình".
Bà Phạm Thị Trọng chia sẻ với PV Infonet về những kỷ niệm của mình với Thiếu tướng Lê Năm. |
"Tôi thấy anh tới nhà chơi là tôi cứ né tránh. Anh ấy ngồi ghế bên này thì tôi ngồi ghế bên kia. Tôi nhớ duy nhất lần anh ra Hà Nội học, anh tới bên cạnh vuốt tóc tôi, lúc đó tóc tôi dài lắm. Tôi chỉ ngại, xấu hổ vì con gái miền quê lúc ấy rụt rè lắm.
Yêu nhau lúc đó chưa bao giờ biết nhận quà là gì. Chỉ biết lúc đó những câu hỏi, quan tâm kèm theo lá thư viết vội của anh gửi tôi khiến chính mình cứ rưng rưng nước mắt. Anh ấy cứ đi học rồi đi bộ đội liên miên, lâu lâu mới về thăm nhà một lúc rồi lại đi”, bà Trọng chia sẻ.
Tiếp lời mẹ mình, chị Hiền con gái thứ ba của bà Phạm Thị Trọng và Thiếu tướng Lê Năm chia sẻ.“Năm 1991, 5 chị em chúng tôi cùng với mẹ đi tàu ra Hà Nội để hội ngộ với bố. Vừa xuống tàu, nhìn thấy bố đứng ở sân ga, chị em tôi đã ôm chầm lấy bố, vui mừng khôn xiết. Còn mẹ tôi lúc ấy cứ nắm chặt tay bố và khóc.
Tôi nhớ trời thủ đô hôm ấy nắng nhẹ, một điều làm chị em tôi ngạc nhiên là trên đường về mẹ xách một túi gạo nặng lắm cùng nắm chặt mấy tờ tiền tổng 90.000. Hỏi bố mới biết là bố tặng quà 8/3 cho mẹ và các con”.
Gia đình bà Trọng đoàn tụ vào năm 1991. |
Còn nói về việc tặng vợ 20 kg gạo và 90.000đ đúng ngày Quốc tế phụ nữ và cũng là thời điểm mà 20 năm gia đình mới gặp lại nhau, ông Lê Năm chậm rãi kể: “ Lúc ấy đó là số tiền mà tôi dành dụm được sau cả quá trình học tập tại Liên Xô và về Việt Nam tôi mua gạo để dành chờ dịp vợ con ra nữa để gia đình có bữa cơm ấm áp.
Vợ tôi hẳn là người phụ nữ dũng cảm nhất trên đời này. Cuộc đời bà ấy là những tháng ngày dài chờ chồng, gồng gánh nuôi con, thay chồng làm tròn đạo hiếu. Hồi trẻ tôi đi bộ đội, đi học rồi về nhận công tác lại say mê nghiên cứu khoa học chưa phút giây nghỉ ngơi.
Nếu không có bà ấy, tôi sẽ không được như bây giờ. Với tôi, về ăn cơm vợ nấu mỗi ngày như là sự bù đắp cho những thiệt thòi mà bà ấy phải chịu suốt thời thanh xuân, cũng là cách tôi thấy bình an, cân bằng trong bộn bề công việc”.
Theo bà Trọng, câu chuyện ngày 8/3/1991 sẽ là ký ức in sâu trong tâm trí bà và ông Năm cùng các con.