Niêm phong 559 lượng vàng: CA Bình Thạnh sai cả nội dung và hình thức?
Xung quanh vụ việc cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Bình Thạnh niêm phong 559 lượng vàng của tiệm vàng Hoàng Mai, đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Công Út – Giám đốc công ty luật Phạm Nghiêm để tìm hiểu thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp này.
![]() |
Công an quận Bình Thạnh làm việc tại tiệm vàng Hoàng Mai ngày 24/4: (Ảnh: Đức Thanh - Tuổi trẻ) |
Thưa ông, đến bây giờ cơ quan công an cho biết họ mới chỉ bắt quả tang việc thu đổi ngoại tệ, chứ chưa có bằng chứng về việc kinh doanh vàng miếng trái phép của tiệm vàng Hoàng Mai. Vậy việc họ niêm phong số vàng miếng của bà Mai có đúng hay không?
Về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hành vi mua, bán trái phép ngoại tệ hoặc cả vàng miếng thì CA hoặc UBND cấp quận đều không có thẩm quyền này. Việc họ "mai phục" để ra "lệnh khám xét hành chính" đã ra trước đó một ngày thì càng lộ rõ cái sai mang tính ấu trĩ của chính quyền địa phương cấp quận của một thành phố lớn, là điều khó được dư luận đồng tình ủng hộ.
Trong trường hợp nghi ngờ và bắt quả tang thì cấp nào được xử lý vi phạm thưa ông?
Chỉ có Thanh tra viên Ngân hàng đang thi hành công vụ hoặc Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự... mới có thẩm quyền đó.
Như vậy có thể nói Công an kinh tế quận Bình Thạnh đã sai ngay từ đầu?
Họ sai cả nội dung lẫn hình thức. Về nội dung thì họ không có thẩm quyền. Về hình thức thì không thể có lệnh công vụ của chủ tịch UBND cấp quận là "Lệnh khám xét hành chính" trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, và nhất là lệnh đó ký trước 1 ngày, trước khi có hành vi vi phạm. Đây có thể xem là một vết nhơ của chính quyền của một cấp quận mà không nên đổ lỗi cho nhân viên văn phòng.
![]() |
Luật sư Phạm Công Út |
Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Đặng Ngọc Vinh - Đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.Bình Thạnh cho rằng, lực lượng này đã lập biên bản tạm giữ số vàng vì không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Liệu điều này có đúng không, thưa ông?
Đúng hay không thì chỉ có những người trong cuộc biết. Nhưng về thẩm quyền thì họ không có quyền tạm giữ số vàng đó. Vì có lục tìm thì cũng chưa từng có một văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép công an tạm giữ số vàng của "ai đó" để tìm hiểu số vàng đó từ đâu ra, ngoại trừ lệnh khám xét tạm giữ phương tiện, công cụ hoặc tang vật phạm tội của các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Thưa ông, ông có quan điểm gì khi ông Trung tá Vinh trả lời trên báo Tuổi trẻ rằng "Mục đích khi tạm giữ cũng là bảo vệ quyền lợi cho họ thôi"?
Theo tôi, đó là một lời tự bào chữa cho hành vi tạm giữ trái phép tài sản hợp pháp của người khác. Nói là tài sản hợp pháp vì buộc sau đó những nhân viên công lực ấy phải tháo niêm phong trả lại tài sản cho chủ tiệm vàng Hoàng Mai.
Một khi người thi hành công vụ có hành vi vượt quá thẩm quyền cho phép của mình mà bị phát hiện thì họ là người vi phạm chứ không phải người bị tình nghi là người vi phạm. Do đó, dư luận sẽ rất mong muốn những hành vi đáng xấu hổ của chính quyền cấp quận ấy sẽ là một tai tiếng mà không bao giờ lặp lại trong những địa phương khác.
Xin cảm ơn luật sư!