Những sự kiện gây "sốt" ngành y tế TP.HCM năm 2011
Những sự kiện gây "sốt" ngành y tế TP.HCM năm 2011
Năm 2011, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM tăng cao chưa từng có.
Bệnh tay – chân – miệng cao kỷ lục
Nếu như trong năm 2010, bệnh tay - chân - miệng (TCM) chỉ khiến 1 trường hợp bị tử vong thì đến năm 2011, bệnh đã bùng phát dữ dội và diễn biến phức tạp khiến ngành y tế TP.HCM “trở tay không kịp”. Tính đến nay đã có 12.657 ca mắc bệnh, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2010, tử vong 30 trường hợp.
Trong đó, thời điểm có số ca mắc cao kỷ lục nhất là vào đầu tháng 6 với 525 ca/tuần. Tính đến hết tháng 6, TP.HCM đã có 17 ca tử vong do bệnh TCM. Chính vì vậy đã khiến nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM phải đóng cửa để phòng dịch lan rộng.
Trước tình hình trên, UBND TP.HCM đã 4 lần quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch nhưng vẫn không mang lại kết quả như mong đợi.
Nhận định về việc này, một cán bộ ngành Y tế TP.HCM cho rằng, dù có nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn, kiểm tra giám sát nhưng vẫn “thất bại” do mọi kế hoạch vạch ra đều chung chung nên việc thực hiện không tốt. Bên cạnh đó, việc chưa có vắc – xin phòng TCM khiến ngành Y tế TP bị động trong công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh.
Cũng may, hiện tại, dịch bệnh đã tạm thời lắng xuống chỉ còn 141 ca/tuần.
Phòng khám Đông y Trung Quốc “tung hoành”
Dù mắc rất nhiều lỗi nhưng những phòng khám này vẫn vô tư hoạt động
Sau khi nhận được phản ánh của rất nhiều người bệnh về tình trạng “chặt chém”, khám chữa bệnh không đúng chức năng, quảng cáo “nổ như kho đạn”… tại một số phòng khám Đông y Trung Quốc ở TP.HCM, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tiến hành thanh kiểm tra đột xuất các phòng khám có người nước ngoài hoạt động trên địa bàn TP.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hàng loạt cơ sở phòng khám Trung Quốc vi phạm, với phần lớn các lỗi là sử dụng người Trung Quốc hành nghề khi chưa được phép của Bộ Y tế, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, tự sản xuất thuốc mà không công bố với cơ quan có thẩm quyền.
Câu hỏi đặt ra là tại sao vi phạm rành rành như vậy nhưng các phòng khám này vẫn “vô tư” tồn tại? Nhiều ý kiến cho rằng, với mức xử phạt hành chính quá nhẹ, chưa đến 10 triệu đồng chỉ như “phủi bụi” mà thôi.
Liệu trong thời gian tới, có chế tài nào trị được các phòng khám kiểu này hay không?
“Kinh hoàng” những vụ vi phạm VSATTP
Kinh hoàng thịt gà có chứa chất Diaminoazobenzen hydrochloride
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2011, Sở đã tiến hành kiểm tra gần 40.000 cơ sở, trong đó phát hiện hơn 3.300 cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), với số tiền phạt hơn 4,6 tỉ đồng.
Trong đó, đình chỉ hoạt động 71 cơ sở, tịch thu và tiêu hủy gần 28.000 kg thực phẩm các loại không đảm bảo ATVSTP.
Kết quả kiểm nghiệm những thực phẩm vi phạm này của Chi cục ATVSTP TP.HCM một lần nữa khiến người dân kinh hoàng.
Điển hình, vào ngày 26/12, Chi cục ATVSTP đã tiến hành kiểm tra và cho biết trong 5 mẫu gà đã qua giết mổ đang bày bán tại một số chợ trên địa bàn TP có 1 mẫu dương tính với màu công nghiệp.
Đó là chất Diaminoazobenzen hydrochloride, có hàm lượng 2,85 mg/kg. Đây là một loại phẩm màu công nghiệp dùng trong sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, cao su chứ không hề có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Khi bị tích lũy trong cơ thể, chất này sẽ gây độc cho gan, thận.
Cùng thời điểm, các cơ quan chức năng công bố có tới gần 89% mẫu thịt heo TP.HCM được kiểm nghiệm có chứa vi khuẩn E.coli – loại vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy và tụ cầu vàng S.aureus gây nhiễm khuẩn….
Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng đang “đuối sức” trước tình trạng vi phạm ATVSTP?
Thúy Ngà