Những sự kiện đáng nhớ của thị trường bán lẻ công nghệ Việt Nam năm 2018
Bán lẻ hàng công nghệ tại Việt Nam chưa bao giờ hết sốt khi hàng loạt sản phẩm công nghệ mới liên tục được tung ra nhằm khuyến khích người dùng móc hầu bao. Những chiếc smartphone từ giá hai chục triệu đồng đã phá kỷ lục giá bán lên đến hơn 30 triệu đồng, hơn 40 triệu đồng nhưng vẫn có người mua. Tuy vậy, dấu hiệu bão hòa đã xuất hiện, các vụ thâu tóm và thay tướng cho thấy các hệ thống bán lẻ đang cần có sự biến chuyển nhằm duy trì tăng trưởng.
Vingroup thâu tóm Viễn Thông A
Điểm nhấn nổi bật nhất trong năm 2018 ở thị trường bán lẻ hàng công nghệ chính là thương vụ Vingroup mua lại Viễn Thông A. Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam chính thức xác nhận mua lại nhà bán lẻ 21 năm tuổi đời hồi tháng 11/2018, khép lại nhiều tin đồn đoán.
Các fan đang cầm bóng của Viễn Thông A và Samsung trong một buổi biểu diễn do hai đơn vị này phối hợp tổ chức. |
Viễn Thông A là anh cả trong làng bán lẻ tại Việt Nam, có mặt trước cả Thế Giới Di Động, FPT Shop hay Mai Nguyên. Từng là một thế lực trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên điện thoại di động tại Việt Nam, nhưng từ giữa những năm 2000 Viễn Thông A phải đối đầu với Thế Giới Di Động và sau đó là FPT Shop. Nhà bán lẻ lâu đời này sau đó tụt xuống vị trí thứ 3 và cuối cùng được Vingroup mua lại toàn bộ.
Được xem là nhà bán lẻ có thị phần thứ 3, thứ 4 tại Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ nên Viễn Thông A về tay Vingroup được chú ý rất nhiều trong năm qua. Tuy vây, nếu xét riêng về Vingroup có thể thấy việc mua lại Viễn Thông A chỉ là một chuỗi các hành động nhanh và quyết liệt của tập đoàn này.
Chỉ trong một năm, Vingroup đã ra mắt thương hiệu xe hơi riêng, ra mắt xe hơi, xe điện; xây nhà máy sản xuất smartphone và ra mắt smartphone “Made in Vietnam” trong vòng 6 tháng. Tập đoàn này dự kiến sản xuất TV, thiết bị IoT trong năm tới.
Các nhà bán lẻ bị "vu oan" vụ rò rỉ thông tin khách hàng
Đầu tháng 11/2018, trên diễn đàn raidforums.org dành cho hacker, một thành viên đăng tải file dữ liệu được cho là thông tin thẻ thanh toán của khách hàng ở chuỗi Thế Giới Di Động. Ngày 7/11, thông tin trên lan truyền rộng rãi đến các phương tiện truyền thông.
File được cho là có thông tin thẻ ngân hàng của các giao dịch ở Thế Giới Di Động nhưng đã được che số thẻ. |
Thế Giới Di Động ngay lập tức phủ nhận thông tin khách hàng bị rò rỉ từ hệ thống của chuỗi này. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) sau đó vào cuộc và xác nhận tại thời điểm đó không thấy có dấu hiệu hacker tấn công thành công vào hệ thống công nghệ của chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, sau đó cho biết dạng “tin vịt” này các năm trước đó đã có, ông không hiểu vì sao tin đồn lại có lại thời điểm đó. Cổ phiếu Thế Giới Di Động sau đó tuột dốc, sau đó phục nhồi nhẹ nhưng hiện vẫn chưa trở lại mốc giá thiết lập được hồi tháng 10.
4 ngày sau khi thông tin về Thế Giới Di Động dấy lên, cũng trên diễn đàn raidforums.org, hacker lại cho biết có được dữ liệu nội bộ của FPT Shop - chuỗi bán lẻ hàng công nghệ thị phần đứng thứ hai sau Thế Giới Di Động, và của Con Cưng - chuỗi bán đồ mẹ và bé.
Tuy vậy, khác với lần công bố đầu tiên gây ảnh hưởng không nhỏ đến Thế Giới Di Động, lần thứ hai hacker nhắm vào FPT Shop và Con Cưng nhưng hai chuỗi này hầu như không bị gây hại gì.
Thế Giới Di Động "thay tướng"
Ông Đoàn Văn Hiểu Em sau nhiều năm phụ trách ngành hàng điện thoại, viễn thông của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh đã chính thức trở thành CEO hai chuỗi này hồi tháng 9/2018. Ông Hiểu Em giữ chức Giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, sở hữu hai chuỗi có doanh thu cao nhất tập đoàn này.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em. |
Ông Hiểu Em là thế hệ lãnh đạo kế cận được giao trọng trách quản lý hai chuỗi đang chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam ở ngành di động và điện máy. Trong khi đó, ông Trần Kinh Doanh - người tiền nhiệm của ông Hiểu Em - được điều chuyển sang quản lý Bách hóa Xanh, chuỗi bách hóa đặt mục tiêu số 1 ở thị trường này trong vài năm tới.
Việc trao trọng trách vận hành hai chuỗi đang có doanh thu lớn nhất tập đoàn cho người ở độ tuổi 8x chứng tỏ Thế Giới Di Động đặt kỳ vọng và tin tưởng vào người trẻ, trong lúc những người thời kỳ đầu sẽ tập trung sức cho chuỗi Bách hóa Xanh. Ông Hiểu Em là lãnh đạo trẻ nhất trong các chuỗi bán lẻ công nghệ có tiếng tăm tại Việt Nam.
Doanh thu Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh 11 tháng đầu năm 2018 là hơn 55 ngàn tỷ đồng.
Giá smartphone đạt mức kỷ lục
Nhằm duy trì đà tăng trưởng, các hãng smartphone bắt đầu nâng giá bán lên các mức cao kỷ lục. Tiên phong trong việc này là Apple. Những ngày cuối năm 2017, iPhone X về Việt Nam với giá bán 29,99 triệu đồng cho bản 64GB và 34,79 triệu đồng cho bản 256GB. Đây là các mức giá bán cao kỷ lục từ trước đến nay đối với một chiếc smartphone bán đại trà tại Việt Nam.
iPhone Xs Max. |
Sau đó, các thế hệ iPhone tiếp theo như iPhone Xs, Xs Max được tung ra với giá bán kinh khủng hơn. Chiếc iPhone Xs Max bản 512GB có giá 43,99 triệu đồng khi mở bán vào tháng 11/2018, hiện nắm giữ kỷ lục smartphone bán đại trà có giá cao nhất tại Việt Nam. Nhiều người ngạc nhiên vì phải bỏ ra số tiền quá lớn để sở hữu một chiếc smartphone thời điểm này.
Tuy vậy, trong danh sách 10 smartphone bán chạy nhất của Thế Giới Di Động năm 2018, iPhone X 64GB đứng hạng 2, là smartphone cao cấp duy nhất có mặt trong danh sách vốn chỉ có điện thoại giá rẻ và tầm trung. iPhone X 64GB cũng đứng vị trí số 1 trong tất cả các smartphone mang về doanh thu cao cho FPT Shop năm 2018. Chứng tỏ dù giá bán cao nhưng người dùng vẫn chuộng sản phẩm của Apple.
Thị trường bão hòa, các chuỗi chậm mở siêu thị mới
Phủ gần như đủ khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, hai chuỗi Thế Giới Di Động và FPT Shop không còn đua nhau mở siêu thị mới như các năm trước. Trong năm 2018, các chuỗi này mở mới nhỏ giọt, chủ yếu tập trung nâng cao chất lượng phục vụ.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, cho biết vẫn còn “đất” mở thêm các khu vực khác nhưng đó chưa phải là ưu tiên trước mắt của chuỗi này.
Thế Giới Di Động hiện có 1.026 cửa hàng, Điện máy Xanh 754 cửa hàng. FPT Shop hiện có 542 siêu thị.