Những “rái cá” trung niên yêu thích bơi lội
Nhiều người trung niên, cao niên vẫn đều đặn tới hồ bơi Trung tâm văn hóa Q. Gò Vấp để rèn luyện sức khỏe |
Từ sớm, khi mặt trời còn chưa ló dạng mà ở hồ bơi đã nhộn nhịp người qua lại đăng ký nhận đồ bơi. Điều đặc biệt hơn cả đó là nhiều người tuổi đã xế chiều, đi qua sườn dốc của cuộc đời nhưng ở họ lại có một sự yêu thích thể thao đáng khâm phục. Thậm chí nhiều người là người khuyết tật nhưng vẫn có một lòng đam mê bơi lội.
Trên bậc thềm cao, tay đội mũ, rồi lấy kính chụp vào mắt, người đàn ông chỉ đứng với một chân phải nhảy ùm xuống nước quạt tay thật mạnh khiến làn nước văng tung tóe. Người đàn ông “lướt” vun vút trong làn nước trong xanh khiến nhiều người đi bơi quanh đó không khỏi trầm trồ thán phục. Người mà chúng tôi nhắc đến là ông Hồ Thành Nam (53 tuổi) là cựu chiến binh trú tại phường 13, quận Gò Vấp. Rời quân ngũ ông phải chịu những cơn đau do vết thương hành hạ. Nghe nhiều người bạn đồng niên “rủ rê” đến với môn thể thao bơi lội, suốt 13 năm qua, ông thấy sức khỏe mình cải thiện hẳn.
Sau những “vùng vẫy” trong làn nước họ lại nghỉ ngơi và trò chuyện cùng nhau |
“Bơi lội giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của mình. Vừa làm cho cơ thể, tay chân thêm dẻo dai vừa khiến tinh thần mình càng thêm phấn chấn, vui vẻ. Cứ mỗi khi có chuyện gì buồn, tôi nhảy xuống nước “lượn” vài vòng và mọi mệt mỏi ưu tư đều tan biến hết”- ông Nam kể.
Cũng theo ông Nam, suốt mười mấy năm đến với môn bơi lội chứng bệnh khớp của ông giảm hẳn, không còn thấy đau nữa. Bệnh đau bao tử của ông cũng “trốn” luôn và bụng ông không còn thấy khó chịu nữa.
Có lẽ ở hồ bơi này, người có thâm niên bơi lội lâu năm nhất là bà Nguyễn Thị Nga (65 tuổi) - người có đến hơn 20 năm gắn bó với “đường đua xanh”. Bà Nga kể có lẽ lợi ích lớn nhất của bơi lội đối với bà chính là bà đã “níu giữ” được tuổi thanh xuân suốt nhiều năm qua.
“Bơi lội được xem như môn thể thao phát triển toàn diện cơ thể. Hơn nữa người giỏi bơi có thể giúp đỡ được nhiều người khác trong một số tình huống nhất định. Suốt 20 năm bơi lội tôi phòng ngừa được rất nhiều bệnh về xương khớp của người già, bệnh cao huyết áp.”- bà Nga kể.
Ông Hồ Văn Nam cho rằng người khuyết tật nên bơi lội vì bơi mang lại sự sảng khoái về tinh thần và cơ thể ngày càng khỏe khoắn |
Ở hồ bơi này, người nổi nhất có lẽ là bà Nguyễn Thị Hồng (55 tuổi) bởi bà đội chiếc mũ màu hồng. Bà Hồng kể mình bị bại liệt từ nhỏ sau một cơn sốt thập tử nhất sinh. Từ đó bà mang theo di chứng trên cơ thể với đôi chân tập tễnh và những cơn đau hành hạ. Vậy mà 10 năm đi bơi, bà dường như “quên” đi việc mình là người khuyết tật. “Tôi phải trải qua 9 ca phẫu thuật với 7 lần mổ ở chân và 2 lần bị gãy tay phải mổ. Chính vì vậy đi bơi là liệu pháp để ổn định lại sức khỏe. Mình cứ đi bơi “quậy” với nước riết rồi cũng được “trả ơn”. Chân mình giờ không những không teo đi mà càng ngày càng thấy đầy đặn hơn trước nhiều. Lúc trước cứ mỗi lần lên xuống cầu thang là tôi phải có người dìu, giờ thì có thể tự đi được rồi”- bà Hồng vui vẻ nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ nhiệm CLB bác sỹ tình nguyện Sài Gòn, đi bơi hỗ trợ chữa trị nhiều chứng bệnh thường gặp của người già. Khi con người nhảy ùm xuống nước mọi hoạt động di chuyển trong môi trường nước sẽ không gặp nhiều trở ngại. Khi đó việc đi bộ dưới nước sẽ là liệu pháp điều trị nhiều chứng bệnh về xương khớp. Ngoài ra khi bơi lội sẽ giúp điều hòa huyết áp, tuần hoàn lưu thông máu tốt khiến tinh thần trở nên thoải mái hơn.
Ông Bùi Ngọc Thanh, phó giám đốc Trung tâm văn hóa quận Gò Vấp, cho biết với những người già tuổi từ 60 đối với nữ, 66 đối với nam và người khuyết tật, người mắc bệnh tai biến…đều được vào bơi miễn phí nhằm khuyến khích cô chú rèn luyện sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Hằng năm trung tâm đều tổ chức dạy bơi cho các em học sinh trên địa bàn.