Những người Mỹ ở cuộc triển lãm nạn nhân da cam
Các vị khách nước ngoài vỗ tay khen ngợi... (Ảnh: HC) |
"Cuộc triển lãm làm đau khổ trái tim tôi!"
Ngay từ buổi khai mạc, cuộc triển lãm "Da cam - Lương tri và Công lý" do Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) phối hợp với Bảo tàng Binh chủng hoá học và VAVA Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó có khá nhiều vị khách nước ngoài mà đông nhất là các cựu chiến binh Mỹ. Họ chăm chú lắng nghe phát biểu của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện là Phó Chủ tịch VAVA, người từng ra điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ về vấn đề nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; vỗ tay khen ngợi khi xem các trẻ em khuyết tật, dị dạng, thiểu năng do nhiễm chất độc da cam ca hát, nhảy múa; rồi lặng lẽ lau nước mắt khi chứng kiến những thảm cảnh mà các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang phải gánh chịu được trưng bày tại cuộc triển lãm...
Các trẻ em đang được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng nuôi dạy dù bị thiểu năng trí tuệ nhưng vẫn ca hát, nhảy múa! |
Sau khi xem triển lãm, ông Larry Johnson hiện là hội viên Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hoà bình (VFP) cho hay, ông vốn sống ở bang San Jose (Hoa Kỳ). Lúc đầu ông sang Việt Nam chỉ với ý định đi du lịch, nhưng rồi ông bất ngờ thấy yêu Đà Nẵng và quyết định sống ở TP này đã được hơn 3 năm.
"Cuộc triển lãm này thực sự đã làm đau khổ trái tim tôi. Thực tế phản ảnh qua những gì được trưng bày tại đây thực sự là quá kinh hoàng, vượt xa so với những gì mà tôi đã biết về cuộc chiến tranh hoá học mà quân đội Mỹ từng gây ra trong chiến tranh Việt Nam" - ông Larry Johnson nói với chúng tôi.
Các vị khách nước ngoài... |
tham quan các hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm một cách hết sức chăm chú |
Lúc nãy, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng phát biểu: "Cuộc chiến tranh hoá học do quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hoá học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 - 1971, Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có 61% chất da cam, chứa 366kg dioxin phun rải xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, làm gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân.
Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên, có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân. Và thật đau lòng, ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, hàng trăm ngàn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo". Ông nghĩ gì về những con số đó?".
Ông Larry Johnson: Khi ở Mỹ, bạn bè tôi đã nói về vấn đề này nhiều rồi nên những con số đó không phải là điều ngạc nhiên đối với tôi. Trước khi đến cuộc triển lãm này thì hôm qua tôi cũng đã đọc đi đọc lại những con số đó. Khi đến đây tôi vừa đau lòng nhưng vừa vui mừng vì thấy các cháu bé bị phơi nhiễm chất độc dioxin, không được bình thường như những đứa trẻ khác nhưng vẫn biểu diễn văn nghệ, ca hát, nhảy múa. Điều đó chứng tỏ mọi người đã chung tay góp sức đối với các nạn nhân chất độc da cam rất nhiều và tôi mong mọi người sẽ đóng góp nhiều hơn nữa.
Sau khi xem xong triển lãm... |
Vậy điều gì khiến ông ngạc nhiên khi đến với cuộc triển lãm này?
Ông Larry Johnson: Điều ngạc nhiên duy nhất đối với tôi là trước khi đến đây, tôi nghĩ không có nhiều người quan tâm cuộc triển lãm này, vì nó sẽ toàn là những chuyện đau khổ. Nhưng khi đến đây tôi mới thấy có rất nhiều người đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội, thuộc nhiều tổ chức, cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài đã rất quan tâm đến vấn đề chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Tôi thực sự lấy đó làm điều vui mừng đối với mình!
Ông Larry Iohnson bày tỏ: "Cuộc triển lãm này thực sự đã làm đau khổ trái tim tôi!" |
Sự ngạc nhiên đó tạo thêm cho ông động lực như thế nào để cùng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam ở Việt Nam?
Ông Larry Johnson: Bạn bè của tôi từng nói nhiều về các chương trình ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Lần này tôi được ông Chuk Palazzo, Chủ tịch VFP tại Đà Nẵng, mời đến tham dự cuộc triển lãm này. Sau đây tôi sẽ cùng bạn bè của mình tiếp tục hơn nữa sự ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, không chỉ là những suy nghĩ trong đầu, trong tim mà sẽ bằng những hành động cụ thể.
Ông Chuk Palazzo lặng lẽ chụp lại những bức ảnh các nạn nhân da cam Việt Nam được trưng bày tại triển lãm... |
"Đến bao giờ Chính phủ Mỹ mới thừa nhận công lý?"
Theo hướng ông Larry Johnson chỉ, chúng tôi thấy ông Chuk Palazzo đang lặng lẽ chụp lại những bức ảnh các nạn nhân da cam Việt Nam được trưng bày tại triển lãm. Có người đến hỏi chuyện nhưng ông chỉ cười rồi chăm chú vào những bức ảnh, dường như không muốn trò chuyện cho lắm...
Không ngờ một lúc sau lại thấy ông đang rất hăm hở giới thiệu với các vị khách Việt Nam và nước ngoài những hình ảnh về các hoạt động hết sức phong phú, đa dạng của VFP tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ em nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng...
Thấy chúng tôi chụp hình ông Chuk Palazzo, ông Dren Brown 48 tuổi đứng gần đó cho biết, ông cũng từng là phóng viên ở các chiến trường Afganistan, Irak... cho một tờ báo ở New York nhưng đã nghỉ việc vì thấy quá nguy hiểm. Dù không phải cựu chiến binh nhưng ông vẫn tham gia VFP. Sang Việt Nam 2 năm nay, ông trở thành phóng viên tự do, đã có 3 bài viết về vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam đăng trên các tờ báo Mỹ. Ông ghi cho chúng tôi địa chỉ trang web: http://mcclatchydc.com. Rồi không đợi chúng tôi đặt câu hỏi, ông Dren Brown nói liền một mạch như trút bầu tâm sự:
Rồi hào hứng giới thiệu với các vị khách tham quan người Việt Nam và nước ngoài những hoạt động phong phú, đa dạng của VFP nhằm ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam |
"Tôi sinh ra lúc đang xảy ra cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi còn trẻ, tôi thường xem tivi về cuộc chiến tranh này. Lớn lên, tôi tiếp tục nghiên cứu về cuộc chiến tranh Việt Nam, càng nghiên cứu càng thấy có nhiều vấn đề cuốn hút mình. Từ khi sang Việt Nam, điều khiến tôi rất quan tâm là những hậu quả mà cuộc chiến tranh này để lại trên đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là vấn đề chất độc da cam. Tôi có một người bác chết trong chiến tranh Việt Nam, ở Nha Trang, nhưng không biết nguyên nhân vì sao. Và tôi luôn nghĩ có thể là do chất độc da cam gây ra.
Tôi muốn nhấn mạnh một điều, tôi coi việc hỗ trợ tẩy rửa chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng như là một sự chuộc lỗi của Chính phủ Mỹ đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên tôi luôn cảm thấy xấu hổ về việc Chính phủ Mỹ đồng ý bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, nhưng lại từ chối làm điều đó với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Ông Dren Brown tỏ ra rất ấn tượng với những hình ảnh vượt lên số phận của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam... |
Tôi luôn tự vấn chính mình là tại sao Chính phủ Mỹ có thể khẳng định các cựu chiến binh Mỹ bị những hậu quả về thể xác, tinh thần là do chất độc da cam gây ra và sẵn sàng bồi thường nhưng lại từ chối thừa nhận các nạn nhân da cam Việt Nam là do chất độc dioxin của quân đội Mỹ gây ra, dù các cựu chiến binh Mỹ lẫn các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đều có những triệu chứng giống nhau, và có một chứng cứ rất rõ ràng là tình trạng ô nhiễm dioxin rất nặng ở khu vực sân bay Đà Nẵng do quân đội Mỹ tập kết chất độc dioxin tại đây để đi rải trên các chiến trường Việt Nam?
Tôi rất băn khoăn, không biết đến bao giờ Chính phủ Mỹ mới thừa nhận những thảm cảnh mà các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã và đang phải gánh chịu đích thực là do chất độc dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam gây ra. Vì vậy mà tôi luôn mong muốn mọi người cố gắng hết sức để giành lấy thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Rồi ông tự vấn: "Đến bao giờ Chính phủ Mỹ mới thừa nhận công lý đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?" |
Tôi nghĩ, 40 năm đã trôi qua cũng là thời gian đủ dài để cho người Mỹ thừa nhận những gì đã gây ra trong cuộc chiến tranh hoá học tại Việt Nam và nên có sự bồi thường, hỗ trợ một cách tương xứng, phù hợp với công lý đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam!".