Những người giữ nghề thổi thuỷ tinh thủ công
Nghề làm đồ gia dụng bằng thủy tinh đã có từ lâu đời ở xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, Hà Nội) |
Đây là một trong những nghề truyền thống của Việt Nam đang bị mai một dần vì nhiều lý do như: giá thành, mẫu mã và sự vất vả. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người thợ đang cố níu giữ nghề này. |
“Cách đây độ chục năm hầu như cả xã làm nghề nấu, thổi thủy tinh. Các vật dụng trong gia đình từ cái nắp phích, chai lọ gia đình đều tự làm được” - anh Lê Xuân Tiến, một người đã có 20 năm làm nghề thổi thuỷ tinh tại xã Thống Nhất cho biết. |
Anh Tiến chia sẻ thêm, để làm ra được những sản phẩm ưng ý, người thợ phải cảm nhận được độ “chín” của thủy tinh. Thời gian đạt độ nóng chuẩn của thuỷ tinh rất ngắn, người thợ nào khéo sẽ nắm bắt được thời điểm đó để thổi cho thuỷ tinh có hình dáng như ý muốn. |
Hiện nay, hạn chế lớn nhất của thủy tinh Việt Nam là ít mẫu mã, những người thợ làm thủ công ở xã Thống Nhất thường làm theo đơn đặt hàng nên không cố định về sản phẩm, mặt hàng chủ yếu là lọ hoa, bóng đèn, coóng chim… |
Trăm hay không bằng tay quen, mỗi người thợ thổi thủy tinh thủ công ở xã Thống Nhất mỗi ngày có thể sản xuất hàng trăm sản phẩm. |
Ngoài những hộ dân giữ nghề thủ công ở làng, nhiều hộ dân khác đã đầu tư máy móc để sản xuất thủy tinh số lượng lớn cung cấp ra thị trường. |
Sản phẩm bóng đèn dầu là một mặt hàng khá phổ biến ở đây. |
Do nhu cầu thị trường, do đơn đặt hàng của khách nên mỗi thời điểm, mỗi hộ dân nơi đây chỉ sản xuất một mặt hàng duy nhất cho đến khi có đơn đặt hàng sản phẩm khác. |
Ngoài những mặt hàng gia dụng và trang trí thông thường, người dân nơi đây còn sản xuất cả những ống nghiệm thủy tinh sử dụng cho mục đích giáo dục và dùng trong những thí nghiệm về hóa học trong các trường học. |