Những người dắt xe đi làm ngày 30 Tết
Anh Nguyễn Văn N – 41 tuổi, Hà Nội một người làm trong ngành đường sắt tâm sự gần chục năm nay từ khi theo nghiệp đường sắt hầu như anh ít được ăn Tết cùng gia đình. Có năm, tối 30 Tết chuẩn bị đón giao thừa thì anh lại dắt xe máy mang theo bánh chưng và khoanh giò lên cơ quan để cùng đoàn tàu di chuyển ra Hà Nội.
Công việc trong ngành vận chuyển đường sắt hoạt động hầu như không có ngày nghỉ. Ngày Tết phân chia ca ra làm. Anh N. cho biết có năm anh đi tàu Bắc – Nam tới mùng 4 Tết mới về tới nhà. Khi đó về thì đã hết Tết chỉ vội vàng chạy qua thăm bố mẹ hai bên rồi lại tất bật lên đường.
Năm nay, anh N. đã nhận lịch đi tàu từ chiều mùng 1. Tức anh vẫn được ở nhà với gia đình đêm 30 Tết.
Anh kể ngày xưa khi mới đi làm nghề này, lần đầu tiên anh đi tàu xuyên Tết, cảm giác ngồi trên tàu nhìn sang hai bên đường, nhà nhà sáng đèn quây tụ đầm ấm đón giao thừa, anh thấy bồi hồi nhớ nhà khôn nguôi.
Cùng nghề với anh N. chị Lê Thị H. làm nhân viên đường sắt 20 năm, nhiều lần chị H. cũng phải chào gia đình để đi tàu Tết. Có năm, đúng phút giao thừa, chị gọi điện về cho gia đình để chúc Tết, sự xúc động, vui vẻ qua đi, thực tại là tiếng đoàn tàu xé gió lao xuyên màn đêm, lại nhớ con rơi nước mắt.
Chị Bình phải làm việc xuyên Tết. |
Làm trong ngành du lịch, năm nay là đầu tiên đón giao thừa ở công ty, lúc đầu anh Phạm Văn Minh – 25 tuổi, làm việc Hà Nội vô cùng vui thích và nghĩ ra một cái Tết chỉ có dẫn tour khách nước ngoài đi du lịch với mức lương 1,5 triệu/ngày công ty trả. Anh nghĩ xong cái Tết cũng kiếm được khoản kha khá gửi về cho gia đình.
Tuy nhiên, đến những ngày gần Tết khi Hà Nội vắng vẻ, cả xóm trọ chỉ có một mình anh lại muốn bỏ hết tất cả để về quê cùng gia đình. Dù lương có gấp 3 lần ngày thường nhưng đến dịp này bạn bè gặp nhau, gia đình sum vầy, những người như anh Minh lại thấy rưng rưng muốn bỏ hết.
Trường hợp của chị Hoàng Thị Bình - ở Kỳ Sơn, Hòa Bình làm nhân viên ở công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Chị Bình được nghỉ Tết hai ngày Mùng 1 và Mùng 2 Tết rồi lại nhanh chóng đi làm. Chị Bình tâm sự 6 năm gắn bó với công việc làm nhân viên ở nghĩa trang, năm nào chị Bình cũng làm việc tới 5h chiều 30 Tết. Khi về đến nhà cũng là lúc gia đình chuẩn bị xong mầm cơm tất niên. Hầu như chị không đi mua sắm được gì. Công việc đặc thù của mình như thế nên hầu như mọi người đều thông cảm cho chị Bình.
Mùng 3 Tết, chị Bình lại vội vàng đến nghĩa trang làm việc vì đã có nhiều gia đình nhờ chị thắp hương, và tưới cây. Những ngày nghỉ Tết, chị Bình được lương gấp đôi ngày thường nhưng có lúc chị cũng mong mỏi có thể đưa con cái đi sắm Tết, đi mua hoa và trang trí nhà cửa.
Quê ở Thái Bình và đang mưu sinh ở Hạ Long, Quảng Ninh, chị Vũ Thị Nguyệt – 34 tuổi cùng chồng tranh thủ những ngày cuối năm bán chút bóng bay kiếm tiền. Chị Nguyệt cho biết vợ chồng chị sẽ tranh thủ bán bóng bay đến hết ngày mùng 1 rồi đi xe máy về quê ăn Tết cùng gia đình.
Dù ngày Tết ai cũng muốn quây quần nhưng vì mưu sinh đành phải chấp nhận. Bán bóng bay ngày Tết với giá 20 nghìn đồng/quả, có quả to 30 nghìn đồng. Dịp Tết, vợ chồng chị Nguyệt bán được cả nghìn quả. Trừ chi phí đi cũng thu về được vài chục triệu đồng để chi tiêu. Vì thế, năm nào vợ chồng chị cũng tranh thủ đi làm ngày Tết như thế còn có cả tháng giêng nghỉ ngơi.