Những người con Hải Phòng chiến đấu, hy sinh nơi cửa ngõ Sài Gòn
Các chiến sỹ Đại đội 16 súng cối, Trung đoàn 88 trên đường tiến vào Sài Gòn. |
Được hành quân cấp tốc vào chiến trường trong không khí cả nước chuẩn bị bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, các chiến sỹ Tiểu đoàn 581, ai nấy đều rất phấn khởi, háo hức muốn về đơn vị chiến đấu ngay. Sau mấy ngày ổn định tổ chức, trang bị, học tập truyền thống “Quân tiên phong - Lệnh đâu đi đấy, chỉ đâu đánh đấy, khó mấy cũng hoan thành” của Trung đoàn 88, anh em được biên chế phân tán về các đơn vị, mỗi tiểu đoàn từ 200 đến 250 người, kịp tham gia cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đêm 13-4, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 vào tập kích Chi khu Tân Trụ. Đây là một mục tiêu phòng ngự rất vững chắc, giữ vị trí quan trọng bảo vệ phía Nam Sài Gòn của địch. Nhưng do lạc đường, đến 5h sáng ngày 14-4 đơn vị mới đến hàng rào ngoài Chi khu. Địch dựa vào công sự vững chắc, chủ động phản kích quyết liệt, đánh bật lực lượng của ta ra xa.
Cùng lúc hỏa lực phi pháo của chúng liên tiếp dội mạnh vào đội hình đơn vị, làm thương vong hơn chục đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 và đồng chí Phan Anh Đào, trợ lý tác chiến Trung đoàn, hy sinh trong trận này. Trong số anh em hy sinh có Nguyễn Văn Hòa, chiến sỹ Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, quê ở xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên. Trận đánh phải dừng lại.
Đêm 15-4 tiếp tục vào. Nhưng không phải đánh Tân Trụ mà cùng một lúc triển khai nổ súng diệt 3 đồn, một đồn cấp Phân chi khu và 2 đồn cấp trung đội. Không có lý do nào khác, phải vào đúng hiệp đồng, chớp lấy thời cơ, khẩn trương, táo bạo. Lệnh trên 6 giờ chiều đã phải nổ súng. Kết quả, tiểu đoàn 3 dứt điểm được 2 đồn cấp B, Tiểu đoàn 1 dứt điểm Phân chi khu Chợ Mới, giải phóng xã Nhật Tân, huyện Tân Trụ.
Rút kinh nghiệm trận tập kích Chi khu Tân Trụ và thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, trong khí thế chiến thắng vang dội khắp các chiến trường, đại quân ta từ các hướng ngày càng áp sát trung tâm đầu não của Mỹ - Nguỵ, trung đoàn quyết định vừa đánh, vừa tránh các mục tiêu phòng ngự rắn của địch, tiến nhanh về hướng Sài Gòn. Ngày 20-4-1975, Trung đoàn đánh địch trong hành tiến, tiêu diệt 5 đồn bốt, phân chi khu, giải phóng các xã Mỹ Lộc, Phước Lâm, Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh tổng công kích, giải phóng Sài Gòn bắt đầu. Trung đoàn bàn giao trận địa lại cho một đơn vị bạn, thuộc đoàn 232, nhận nhiệm vụ đánh địch trên quốc lộ 5, đoạn từ huyện Bình Chánh về Sài Gòn. Nửa đêm 29-4, trung đoàn tiến quân vào xã Hưng Long, quận Bình Chánh. Tiểu đoàn 1 thực hành bao vây đồn cầu Ông Thìn, trên lộ 5, cách Sài Gòn 10km, một mục tiêu khá rắn và là mục tiêu cuối cùng mà trung đoàn phải dứt điểm trên đường tiến vào hang ổ của địch.
Đêm dẫn bộ đội vào bao vây đồn, chiến sỹ Phạm Quang Hoa, trinh sát tiểu đoàn 1, quê ở xã Đồng Bài, huyện Cát Hải, bị một quả mìn Claymo của địch nổ quét, làm anh và 6 đồng đội hy sinh. Bị quân ta bao vây chặt, địch trong đồn chống cự quyết liệt. Lực lượng binh vận và nhân dân đến vận động binh sỹ địch, bị chúng xả súng làm nhiều người thương vong. Sáng 30-4, trước sức tấn công của quân ta, địch phải bỏ đồn cầu Ông Thìn cùng toàn bộ vũ khí tháo chạy. Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 chốt chặn, kết hợp vận động tấn công, đánh quân địch đến ứng cứu từ Sài Gòn xuống, từ Cần Giuộc lên theo lộ số 5, tiêu diệt 2 đại đội bảo an. Một số đồn bốt, tua chốt của địch ở xa Hưng Long sợ hãi bỏ chạy.
Xã Hưng Long được hoàn toàn giải phóng. Trong những trận đánh cuối cùng này, một số cán bộ, chiến sỹ của trung đoàn hy sinh, trong đó có Đỗ Văn Vào, quê xã Văn Phong, huyện Cát Hải, chiến sỹ thông tin Đại đội 20, đi trực máy ở Tiểu đoàn 1; Nguyễn Văn Lịch, quê xã Hòa Quang, huyện Cát Hải, chiến sỹ Tiểu đoàn 2. Các anh hy sinh giữa lúc cuộc tiến công đánh chiếm những mục tiêu cuối cùng ở Sài Gòn đang rất gần với chúng tôi.
41 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về cuộc hành quân chiến đấu tiến về Sài Gòn, đặc biệt là hình ảnh về những đồng đội thân yêu, những người đồng hương Hải Phòng của mình đã anh dũng chiến đấu, hy sinh nơi cửa ngõ phía Nam Sài Gòn, trước ngày toàn thắng, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử còn in đậm mãi trong tâm trí chúng tôi những ký ức không thể nào quên.
Theo Minh Ngọc/ANHP.VN