Những ngôi làng người Việt trên sông Mê Kông (phần cuối)
Những ngôi làng này cũng cùng thứ tự như thế về số lượng khách du lịch và mức độ thương mại hoá của mỗi ngôi làng.
Có lợi thế về phương tiện di chuyển, tôi chọn ghé thăm làng Kampong Khleang để tránh đám đông khách du lịch ồn ào và để thực sự tận hưởng vẻ đẹp yên bình và thuần khiết của nơi này.
Những con bò nhởn nhơ gặm cỏ ven quốc lộ 6 từ Siem Reap đi Kampong Khleang. |
Con đường đất đỏ cắt ngang quốc lộ 6 với những hàng cột đèn chỉ thường thấy ở trung tâm Siem Reap. |
Kampong Khleang là cộng đồng dân cư lớn nhất trên Biển Hồ với gần 2000 hộ dân, đầy đủ cơ sở vật chất từ trường học, trạm y tế, trạm điện đến các công trình tôn giáo. Và đặc trưng nhất là những ngôi nhà ‘chân dài’ của người Khmer được dựng ngay sát đất liền.
Gọi là nhà ‘chân dài' vì những ngôi nhà ở đây không thực sự là ‘nhà nổi', lên xuống theo nhịp nước Biển Hồ mà được dựng cố định theo kiểu ‘stilt house', được đặt trên các cột chống cao từ 6 đến 8 mét. Khi mùa nước nổi tràn về, các cột này ngập sâu trong nước, nhà ‘chân dài' biến thành nhà nổi.
Vì tiếc tiền thuê xuồng máy ra phía ngoài khơi Biển Hồ để thăm những căn nhà nổi đúng nghĩa, tức là nhà được dựng trên thuyền bè và có thể di chuyển được của cộng đồng người Việt, tôi dựng xe đi bộ lang thang dọc những căn nhà ‘chân dài' và chơi với đám trẻ ở đây. Hoá ra đó lại là quyết định đúng đắn vì chơi với trẻ con vui hơn nhiều, và cũng thật nhiều những khung hình thú vị.
Ngôi làng được phủ đầy nắng cuối chiều. |
Niềm vui giản đơn của lũ trẻ lúc cuối ngày. |
Ngắm chiều xuống trên Biển Hồ một mình đương nhiên là tĩnh lặng và yên bình hơn nhiều so với việc chen chúc ngắm hoàng hôn Angkor cùng với hàng ngàn người khác. |