Những đứa trẻ không có… mùa hè
Cùng ba mẹ đi du lịch, hoặc đến rạp xem phim, đi công viên giải trí, đi bơi,... là những thứ tưởng chừng như rất bình thường với bao thiếu nhi vào những ngày hè. Nhưng còn nhiều lắm những đứa trẻ không biết những điều này, vì các em phải tranh thủ khoảng thời gian này đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Các em làm đủ nghề, từ bán vé số, làm thuê cho đến chăn bò, cắt cỏ... Chỉ học lớp 4, nhưng em Nguyễn Quốc Thái (10 tuổi, TP. Long Xuyên) phải vừa học, vừa đi bán vé số. Mặc dù sống ở ngay trung tâm thành phố, nhưng ngày hè với Thái là những buổi rong ruổi qua nhiều đường phố tấp nập, mời bán hơn 100 tờ vé số. “Nghỉ hè, con đi bán vé số tiếp mẹ để có tiền giúp mẹ lo cho gia đình và dành tiền kiếm được mua đồ, tập sách… cho năm học mới. Vậy là con thấy vui rồi”. Cùng học lớp 4 như Thái, em Chau Keo (ấp Rò Leng, xã Châu Lăng, Tri Tôn) lại có vẻ ít nói, rụt rè. Giữa cái nắng chói chang ở cánh đồng Tà Lọt, em đang dắt bò tìm cỏ ăn. Ngày hè, em không chọn học thêm hay đi chơi cùng bạn bè mà nhận công việc chăn bò. “Vì đồng lúa non, nên em phải canh kỹ, sợ bò vô ăn lúa. Lúc này trời nắng quá nên có lúc em bị bệnh. Tuy nhiên, em vẫn thích đi chăn bò vào những ngày hè” - Chau Keo bày tỏ. Với Chau Keo, chăn bò không có gì vui cả, mà đơn giản công việc này có thể giúp được gia đình, chia sẻ gánh nặng cho ba, mẹ. Đây mới là điều làm em vui nhất.
Câu ếch kiếm thực phẩm cho gia đình |
Từ đầu hè, trên đường từ xã Núi Tô về xã Cô Tô (Tri Tôn), sẽ không khó để bắt gặp hai đứa trẻ cùng tuổi nhau, đứa cầm cần câu, đứa xách giỏ đựng một vài thứ tẩn mẩn. Đó là em Chau Danh (học lớp 4), Chau Chanh Na (học lớp 5) đều ở xã Núi Tô. Trong lúc cẩn thận móc mồi, bỏ cần câu xuống mương nước, Chau Danh thỏ thẻ: “Do hổm nay có mưa, em tranh thủ đi tìm mấy mương có cỏ rậm để câu ếch, cá về cho cả nhà ăn. Có bữa đủ ăn, có bữa nhiều thì đem bán bớt để có tiền đưa cho mẹ”. Không để mất phần mình, Chau Chanh Na nhanh nhảu tiếp lời: “Còn em thì vừa đi câu với bạn, rồi tranh thủ đi hái trái trâm bán. Ba, mẹ em mỗi ngày hái được khoảng 10kg, bán với giá 15.000 đồng/kg. Trước nay, ngày hè của bọn em đều như vậy...”. Chưa hề thấy buồn hay tủi thân vì ngày hè không được nghỉ ngơi hay vui chơi, mà niềm vui của các em là những bữa ăn có sự góp sức của mình, những đồng tiền kiếm được. Từ lúc nghỉ hè đến giờ, Lê Thị Ngọc Giàu chưa hề nghỉ ngơi, sáng em phải đạp xe rất sớm từ xã Tân Lập (Tịnh Biên) sang cầu số 8 (Tri Tôn), đoạn đường đi về gần 20km chỉ để bán được 60 tờ vé số. Gương mặt lấm tấm mồ hôi, Giàu chia sẻ: “Năm nay em lên lớp 7, lúc đi học em chỉ bán được 30 tờ vé số thôi, nghỉ hè thì tăng lên 60 tờ. Tiền lời mỗi ngày em đưa mẹ, vừa phụ tiền cơm hàng ngày và để dành mua sách vở vào đầu năm học mới tới”.
Tranh thủ nghỉ hè, Chau Keo đi chăn bò |
Những đứa trẻ như Thái, Giàu, Chau Keo,… còn quá nhỏ để phải lo đến chuyện cơm, áo, gạo, tiền, nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà các em phải gác lại niềm vui của mình. Các em còn rất nhỏ nhưng dường như đã biết gánh vác trên vai mình hai từ “trách nhiệm”, biết chia sẻ khó khăn với gia đình và luôn cố gắng học giỏi, vươn lên trong cuộc sống. Những điều các em đã và đang làm rất đáng được quý trọng.
Dù biết rằng các ngành, các cấp luôn quan tâm, chăm sóc cho thanh, thiếu nhi như tạo nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh vào những ngày hè, nhưng vẫn còn nhiều lắm những em nhỏ phải tranh thủ mưu sinh vào những ngày hè để phụ tiếp gia đình và thực hiện ước mơ của mình trong tương lai.
Bài, ảnh: ÁNH NGUYÊN/Báo An Giang