Những đôi tay vàng ngành y
Phát triển kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang thương hiệu Việt; đem lại niềm vui cho hàng ngàn đôi vợ chồng vô sinh; xoa dịu cơn đau do thoát vị đĩa đệm cho hàng ngàn người là ba trong số những thành tựu y học nổi bật thời gian qua.
Bậc thầy mổ nội soi
Nhiều năm qua, hàng trăm giáo sư, bác sĩ từ Úc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ... đã “khăn gói” sang Việt Nam để học tập kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của PGS-TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương. Họ gọi kỹ thuật của ông bằng cái tên rất thân mật là “kỹ thuật Dr Lương”. Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang thương hiệu Việt cũng đưa PGS-TS Trần Ngọc Lương trở thành chuyên gia y tế có “sức hút” nhất khi có tới hơn 20 bệnh viện lớn của hàng chục quốc gia mời ông đến giảng dạy.
PGS-TS Lương cho biết bệnh lý tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ. Phương pháp mổ hở truyền thống thường để lại vết sẹo lớn, dài khoảng 8-12 cm ở cổ nên rất kém thẩm mỹ. Nhiều lần chứng kiến những cô gái trẻ phải ôm mặt khóc sau ca mổ, PGS-TS Lương luôn trăn trở với mong muốn đưa kỹ thuật nội soi vào phẫu thuật tuyến giáp để không còn những “con rết” xấu xí trên cổ những cô gái trẻ. Nhưng tuyến giáp vốn là khu vực có cấu trúc rất phức tạp, chỉ cần một sơ suất nhỏ, bệnh nhân có thể phải chịu tổn thương vĩnh viễn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đây chính là nguyên nhân khiến phương pháp mổ nội soi được ứng dụng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh lý tim mạch, dạ dày, tiêu hóa... nhưng chưa một bác sĩ nào dám áp dụng vào phẫu thuật tuyến giáp.
Sau nhiều năm mày mò, nghiên cứu, bác sĩ Lương đã tìm được phương án phẫu thuật an toàn, thuận lợi. Năm 2003, ông thực hiện ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp đầu tiên, kết quả khá mỹ mãn. Phẫu thuật bằng phương pháp nội soi chỉ để lại vết sẹo nhỏ khoảng
1 cm ở vùng nách và ngực. Vết sẹo này cũng mờ dần và hoàn toàn biến mất sau vài tháng. Thời gian nằm viện chỉ còn 2-3 ngày thay vì 7 ngày như trước.
Sau hơn 10 năm, đến nay, kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của ông đã được bạn bè trong nước và thế giới công nhận là đơn giản, nhanh, an toàn, hiệu quả và rẻ hơn rất nhiều so với các nước. Trong khi ở Hàn Quốc, Nhật Bản, một ca phẫu thuật tương tự bằng robot thường kéo dài trong 2 giờ với chi phí lên gần 10.000 USD (hơn 220 triệu đồng) thì tại Việt Nam, phương pháp mổ nội soi tuyến giáp thương hiệu “Dr Lương” chỉ mất 20-30 phút với những dụng cụ mổ nội soi thông thường và chi phí chỉ khoảng 8 triệu đồng. Đặc biệt, phương pháp này còn cho phép phẫu thuật ở tất cả bệnh tuyến giáp, từ bướu đơn nhân, bướu đa nhân, bệnh Basedow đến bướu cổ lớn, ung thư tuyến giáp... Là “cha đẻ” của kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp, PGS-TS Trần Ngọc Lương được mệnh danh là một trong những “đôi bàn tay vàng” của ngành y tế Việt Nam. Không chỉ được đánh giá cao trong nước, kỹ thuật của ông còn khẳng định vị thế trên thế giới, làm rạng danh nền y học Việt Nam.
“Cha tinh thần” của hàng ngàn trẻ
Gắn bó, tâm huyết với lĩnh vực sản phụ khoa nhiều năm, GS-TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương - luôn đau đáu với nỗi lo của các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Phương pháp thụ tinh ống nghiệm được ông thử nghiệm thành công vào năm 2000 đã mở ra cơ hội làm cha, làm mẹ cho các trường hợp mắc vô sinh. Đến nay, đã có hàng ngàn đứa trẻ ra đời bằng phương pháp này. Nhiều người đã xem ông như người cha tinh thần của con họ. Có những cặp vợ chồng xin phép được lấy tên của ông đặt cho con để thể hiện lòng biết ơn. Hằng năm, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản do GS-TS Nguyễn Viết Tiến thành lập đã tiến hành khoảng 2.000 - 3.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm với tỉ lệ thành công từ 50%- 60% - con số mà trước đây ít người dám nghĩ đến. Có thể nói, đôi bàn tay vàng của GS-TS Nguyễn Viết Tiến đã mang lại hạnh phúc vô bờ cho hàng ngàn gia đình.
“Nhiều cặp vợ chồng đã phải trải qua hàng chục năm điều trị khi mái tóc đã điểm sương mới vỡ òa niềm vui được ôm ấp, bế bồng con trẻ. Nhìn thấy niềm vui của họ, người thầy thuốc chúng tôi cũng vui lắm, vui vì sự kiên định của mình đã đúng” - GS Tiến bày tỏ. Hơn 10 năm nay, ông vẫn dành nhiều tâm huyết để tiếp tục các công trình nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam. Ông cho biết những lần thất bại chính là thách thức và động lực để sáng tạo những kỹ thuật mới ngang tầm thế giới. Hiện nay, chi phí cho một ca thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với các nước trong khu vực, tạo cơ hội cho nhiều gia đình trên hành trình mưu cầu hạnh phúc.
Giải cơn đau cho hàng triệu người
Là người tiên phong ứng dụng các kỹ thuật, phương pháp phẫu thuật cột sống tiên tiến trên thế giới, PGS-TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Việt Đức, đã giúp hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thoát khỏi những cơn đau thường trực. Phương pháp của ông đã được chuyển giao tới nhiều cơ sở y tế, giúp hàng triệu người thoát khỏi nỗi ám ảnh đau lưng. Theo PGS-TS Thạch, thoát vị đĩa đệm xảy ra ở khoảng 30% dân số và hay gặp ở độ tuổi từ 20 đến 55. Ngoài nguyên nhân do thoái hóa tự nhiên, bị tai nạn..., người bị thoát vị đĩa đệm phần nhiều do tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng sai cách. Những cơn đau do thoát vị đĩa đệm gây ra khiến người bệnh mất ăn, mất ngủ, thậm chí đến mức “sống dở, chết dở”.
GS Nguyễn Viết Tiến Ảnh: Bích Ngọc |
Khát vọng khoa học và niềm đam mê nghề đến mãnh liệt với mong muốn hóa giải cơn đau cho hàng triệu người mắc bệnh cột sống, từ 10 năm trước, PGS-TS Thạch đã tiên phong ra nước ngoài học các kỹ thuật mổ cột sống chữa thoát vị đĩa đệm tiên tiến. Về nước, ông và đồng nghiệp còn sáng tạo thêm để hoàn chỉnh kỹ thuật mổ, phù hợp với thể trạng và điều kiện y học Việt Nam. Đến nay, chỉ với 20 phút phẫu thuật, bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau đó, thay vì phải nằm viện 3-4 ngày như trước đây.
PGS-TS Trần Ngọc Lương |
Đặc biệt, các kỹ thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống tiên tiến này còn được Bệnh viện Việt Đức chuyển giao cho các bệnh viện tuyến cơ sở. Hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến dưới tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Điện Biên, Lào Cai... đều thực hiện được hầu hết kỹ thuật can thiệp đĩa đệm, cột sống khó. Nhờ vậy, người bệnh có thể tiếp cận với kỹ thuật điều trị cao ngay tại địa phương, giảm chi phí và giảm quá tải tuyến trên. Nhiều bác sĩ đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia... đều sang Việt Nam học hỏi kỹ thuật điều trị đĩa đệm, cột sống.
PGS-TS Nguyễn Văn Thạch (phải) trong một ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị bệnh cột sống |
Được mệnh danh là “đôi tay vàng” của ngành phẫu thuật cột sống Việt Nam, mới đây, công trình Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm, cột sống của PGS-TS Nguyễn Văn Thạch được nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực y dược năm 2015.
Theo Ngọc Dung/Người Lao Động