Những điểm tựa giúp cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực duy trì, chờ thời cơ bứt phá vượt qua đại dịch
Với những chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa... là những điểm tựa giúp cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực duy trì, vượt qua khó khăn…
Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta bùng phát dữ dội đã tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Trước những thách thức và khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 gây ra, chúng ta đã từng bước kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế; chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa; cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất…
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10, giải pháp của công ty để vượt qua khó khăn do dịch bệnh là công ty phải tổ chức sắp xêp linh hoạt để có thể vẫn duy trì ở mức tối thiểu hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu các thiệt hại nếu có. |
Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt. Chính phủ đã và đang tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; trước mắt, triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
Chia sẻ tại diễn đàn trực tuyến “Chủ động phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh”, ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết, từ năm 2020 đã có nhiều chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể như Nghị định số 41 năm 2020 của Chính phủ về gia hạn nộp thuế đất, Nghị định 109 về gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô lắp ráp trong nước, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 15% tiền thuê đất phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp và người dân.
Về phía Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các Nghị quyết như: Nghị quyết số 107 về việc tiếp tục miễn tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; Nghị quyết số 116 về giảm 30% thuế TNDN; Nghị quyết số 954 về điều chỉnh giảm nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã cùng với các Bộ, ngành rà soát, ban hành, sửa đổi 21 Thông tư về thu phí, lệ phí theo hướng miễn giảm các khoản thu về phí, lệ phí.
Cũng theo ông Bách, ngành Thuế đã thực hiện triển khai nhanh chóng các giải pháp đến từng nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách. Năm 2021 Bộ Tài chính đã tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể như, tiếp tục báo cáo Ủy ban TVQH ban hành Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Bộ Tài chính cũng đã giảm mức thu của hơn 30 khoản phí, lệ phí; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 44 hướng dẫn cho phép doanh nghiệp được trừ vào chi phí khi xác định tính thuế TNDN đối với những khoán doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động phòng chống Covid-19; trình Chính phủ ban hành Nghị định 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền sử dụng đất trong năm 2021;…
Với những điểm tựa trên, cộng đồng doanh nghiệp đã có những nỗ lực duy trì để chờ đợi thời cơ bứt phá.
Ông Nguyễn Quang Mậu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gốm Đất Việt, cho biết, nhờ công tác chống dịch tốt, Gốm Đất Việt đã đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Dù chấp nhận chi phí gia tăng nhưng công ty vẫn tăng lương cho công nhân, đồng thời hỗ trợ các lái xe chi phí xét nghiệm Covid-19.
Còn ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10, giải pháp của công ty để vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây nên là tổ chức sắp xêp linh hoạt để có thể vẫn duy trì ở mức tối thiểu hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu các thiệt hại nếu có.
“Trong hai năm qua, doanh nghiệp là đối tượng phải chịu những hậu quả nặng nề nhất. Có đến 94% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường và nguồn cung nguyên liệu, lao động không thể tới được nhà máy,… Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã vận dụng sáng tạo, tìm cách chuyển đổi chiến lược, cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh.
Sự sáng tạo là quan trọng, nhưng tính nhân văn và sự dũng cảm của doanh nghiệp là điều tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp nếu không vì trách nhiệm xã hội, không đặt lợi ích của người lao động và nền kinh tế lên trên, thì người ta sẽ tạm thời đóng cửa, ngừng sản xuất để cắt lỗ”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ.
Hiền Anh
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.