Những điểm mới đảm báo ATGT dịp Tết
Ông đánh giá như thế nào về tình hình TTATGT dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014?
Thông thường dịp tết Nguyên đán, nguy cơ ùn tắc giao thông tại các đô thị và trên các tuyến quốc lộ trọng điểm sẽ tăng. Cùng với đó, TNGT sẽ có xu hướng cao hơn. Theo thống kê hàng năm, TNGT trong Tết tăng cao hơn hẳn so với ngày bình thường. Ví dụ dịp tết Quý Tỵ 2012, vào ngày 4 và 5 Tết, số người chết do TNGT cao gấp đôi so với ngày bình thường.
Năm nay, Chính phủ cho phép nghỉ trước tết 3 ngày và 6 ngày sau tết nên người dân có thể về quê sớm hơn. Giải pháp này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu sắm tết, đi lại của người dân, giảm áp lực đối với giao thông ở đô thị lớn cũng như trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dịp tết Giáp Ngọ này, nhu cầu đi lại vẫn tăng cao, đặc biệt là dịp trước Tết cho nên nguy cơ mất an toàn giao thông trong Tết và lễ hội xuân vẫn khá cao.
UBATGTQG sẽ triển khai những biện pháp cụ thể gì để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm TTATGT dịp sát Tết, thưa ông?
UBATGTQG vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt là trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán. Mục đích nhằm bảo đảm đủ phương tiện phục vụ người dân đi lại trong Tết an toàn và thuận tiện. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, nguyên nhân gây TNGT trong Tết và biện pháp giảm TNGT. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là trong dịp tết Giáp Ngọ này sẽ kiểm soát tốt nhằm giảm ùn tắc và TNGT so với tết Quý Tỵ 2012.
Để đạt được mục tiêu này, rất nhiều biện pháp đã được triển khai. Trong đó, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường quản lý hoạt động vận tải, hành khách dịp Tết. Cụ thể, UBATGTQG đã chỉ đạo các DN, các Sở GTVT huy động đủ phương tiện đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, còn giá trị sử dụng kịp thời phục vụ hành khách.
Kết hợp với đó là bố trí, sắp xếp người lái xe đảm bảo sức khỏe, lái xe không quá 4 tiếng liên tục và 10 giờ/ngày. Các Sở GTVT cũng phải tăng cường công tác kiểm soát an toàn giao thông tại các bến xe, kiểm tra kỹ càng xe khi xuất bến về điều kiện phương tiện, về người lái. Trên các tuyến giao thông cũng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm chở quá số người quy định.
Ngoài ra thời điểm này, ngành Giao thông cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Công an trong phát hiện, xử lý tình trạng xe chở quá tải, quá số người quy định. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng, bố trí đẩy đủ để đảm bảo khi phát hiện xe quá tải sẽ bố trí chuyển xe kịp thời cho khách, đảm bảo giao thông thuận tiện. Phương châm của chúng tôi là siết chặt hoạt động vận tải, tăng cường kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu đi lại tăng cao của người dân.
Một trong số những biện pháp nữa là tăng cường tuần tra, tập trung kiểm tra sâu sát những đối tượng dễ vi phạm như lái xe khách, xe tải nặng; tăng cường xử lý vi phạm tốc độ, đi sai làn đường quy định.
Trong những ngày nghỉ tết Nguyên đán, lực lượng kiểm tra, giám sát khá mỏng, đâu là giải pháp được UBATGTQG đưa ra để kiểm soát TTATGT?
Thực tế là dù có giải pháp gì đi nữa cũng không quan trọng bằng việc chính bản thân người dân tự nâng cao nhận thức. Do đó, trước, trong và cả sau Tết, UBATGTQG luôn coi trọng công tác tuyên truyền. Chúng tôi tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân hiểu được nguy cơ xảy ra TNGT rất cao mà có ý thức tự bảo vệ mình. Tết là thời điểm người tham gia giao thông dễ lái xe khi đã uống rượu bia; không đội mũ bảo hiểm khi lái xe, rồi chở 3, chở 4, lạng lách, đánh võng…
Bên cạnh tuyên truyền, chúng tôi sẽ kết hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động vận tải. Với những cách làm này, hy vọng xuân Giáp Ngọ 2014 sẽ là một xuân mới nhiều an toàn.
Xin ông cho biết, so với những thời điểm khác trong năm, đảm bảo TTATGT dịp Tết có gì khó khăn hơn?
Theo tôi, khó khăn dễ nhận thấy nhất là dịp Tết, một mặt số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao mặt khác ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân lại lỏng lẻo do tâm lý vui chơi, thoải mái ngày lễ, Tết. Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát mỏng hơn.
Một điểm rất đáng đề cập nữa là do phong tục tập quán, ngày tết, nguy cơ đèo 3, đèo 4 bằng xe môtô, rồi uống nhiều rượu bia nhưng vẫn tham gia lái xe là rất cao. Năm nay, ngay ngày mùng 3 Tết, Bộ GTVT phối hợp Bộ Công an sẽ tổ chức những đoàn kiểm tra, đôn đốc tới từng địa phương. Từ ngày mùng 4 và mùng 5 Tết sẽ tăng cường xử lý, xử phạt các vi phạm giao thông trên toàn quốc.
Không chỉ trước, trong mà sau Tết, khi các lễ hội rầm rộ trên cả nước, TTATGT cũng nảy sinh nhiều bất cập. UBATGAQG đã đề ra biện pháp gì để đối phó với tình trạng này, thưa ông?
Chúng tôi cũng đã tính đến vấn đề này. Dự kiến, dịp đầu xuân, lễ hội nhiều, các địa phương cần căn cứ lễ hội có ở địa phương mình, xem xét kỹ địa điểm, vị trí tổ chức lễ hội để bố trí lực lượng, tổ chức phân luồng giao thông hợp lý. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần bố trí sẵn sàng các biển chỉ dẫn giao thông, huy động lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an, thanh niên tình nguyện, quần chúng… nhằm tăng cường hướng dẫn cho những người dân tham gia lễ hội. Nếu xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến đường thì phải xử lý ngay.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các xe chở khách. Thời điểm lễ hội sau tết, hoạt động quản lý vận tải rất phức tạp do có nhiều xe riêng của người dân cho thuê, không đăng ký kinh doanh, không chạy theo tuyến cố định. Đối với các đối tượng này, càng cần kiểm tra, xử lý nghiêm, buộc lái xe phải chấp hành tốt quy định, nhất là không uống rượu, bia khi lái xe, tránh gây ra TNGT.
Xin trân trọng cảm ơn ông!