Những dải lụa ánh sáng từ bão Mặt Trời
Hình ảnh cực quang được chụp ở Alaska ngày 4/11/2015 (Nguồn: AND) |
Theo Trung tâm dự báo thời tiết vũ trụ Mỹ, một vụ nổ khí trên Mặt Trời (còn gọi là hiện tượng “Mặt Trời phát ra nhật hoa”) vào đã làm lan tỏa bão từ (còn gọi là gió Mặt Trời) tới Trái đất hôm 31/12. Các hạt điện từ này trộn lẫn vào khí quyển Trái Đất, tạo ra hiện tượng cực quang – những luồng ánh sáng rực rỡ nhảy múa trên không.
Cực quang có thể quan sát được trên bầu trời đêm ở Alaska (Mỹ) vào ngày cuối cùng của năm 2015. Theo tờ Thời báo Seattle, các vùng xa hơn về phía Nam nước Mỹ, như Seattle, cũng quan sát được hiện tượng cực quang.
Dĩ nhiên, hiện tượng cực quang chỉ quan sát được khi trời tối và không có mây.
Trong thiên văn học, cực quang là hiện tượng quang học đặc trưng bởi sự thể hiện các dải ánh sáng nhiều màu sắc trên bầu trời đêm, được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt Trời với tầng khí quyển ngoài Trái Đất. Các dải sáng này liên tục chuyển động và thay đổi, khiến chúng trông giống như những dải lụa màu trên bầu trời. Đây có thể coi là một trong những hình ảnh đẹp của tự nhiên.
Cực quang không phải là một hiện tượng riêng biệt của bầu khí quyển quanh Trái Đất. Người ta đã quan sát thấy hiện tượng cực quang trên các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời như Mộc Tinh, Thổ Tinh, Thiên Vương Tinh và Hải Vương Tinh, và đã tái tạo nó trong phòng thí nghiệm.
Trong những năm gần đây, sự phổ biến của hoạt động “Du lịch cực quang” cũng đã mang một lượng lớn du khách tới nhiều điểm gần vùng cực, nơi hầu như không có người ở trong mùa đông vùng cực. Nhờ vị trí tương đối dễ quan sát cực quang, Iceland và Bắc Scandinavia là các điểm đến phổ biến nhất của du khách.
Theo Trung Hiếu/ TGVN