Những “đại gia” vùng đất bãi
Sự đổi thay ấy là nhờ vào trí tuệ và sức lao động của những người nông dân nơi đây. Họ là những điển hình đã góp phần làm thay đổi quan niệm và cách nghĩ, cách làm của những người nông dân chân lấm tay bùn để rồi vươn lên trở thành tỷ phú, triệu phú ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Mô hình trang trại chăn nuôi lợn quy mô hiện đại của gia đình anh Nguyễn Chí Hải. |
Tại khu chuyển đổi của xã Vạn Ninh (Gia Bình, Bắc Ninh), toàn bộ diện tích đất lò gạch thủ công trước đây giờ đã khoác lên tấm áo mới, vùng “đất chết” ngày nào đang chứng kiến sức sống và sự sinh sôi mạnh mẽ của cây trái, ruộng vườn. Trong khu chuyển đổi ấy, xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi. Điển hình là anh Nguyễn Chí Hải, thôn Chính Thượng được nhiều người đặt cho tên gọi “đại gia” vùng đất bãi ven sông. Tiếng “đại gia” ấy không chỉ đơn thuần là anh lắm tiền, nhiều của mà hơn hết là có chí, dám nghĩ, dám làm quyết tâm biến “công trường” ngổn ngang gạch, đá xưa kia cải tạo xây dựng thành trang trại bề thế.
Vào chuyện mới hay anh Hải cũng từng một thời làm ông chủ làm lò gạch thủ công, sau khi tỉnh có quyết định cấm không cho các lò gạch thủ công hoạt động, anh chuyển sang góp vốn cổ phần cùng Công ty gạch tuynel Cao Đức. Anh suy tính một công đôi việc vừa làm gạch máy vừa có thể làm trang trại. Nghĩ là làm, năm 2013 anh quyết định thuê 5 ha (thời hạn 20 năm) đất bãi ven sông thuộc diện tích đun đốt lò gạch thủ công của xã để xây dựng thành trang trại chăn nuôi tổng hợp. Ngày đầu phục hoá, nhiều lúc thấy nản lòng khi toàn bộ diện tích chỗ nào cũng “lô nhô như ô thầy thuốc”, gia đình phải thuê máy súc, ủi san lấp mặt bằng hơn 1 năm mới xong. Có mặt bằng, gia đình anh quy hoạch các khu trồng cây ăn quả, rau màu và khu xây chuồng trại, ao nuôi cá. Tổng kinh phí đầu tư đến thời điểm này lên tới hơn 8 tỷ đồng, gia đình được Agribank huyện hỗ trợ vay vốn 2,5 tỷ đồng. Đến nay, anh đã liên kết với Công ty Cổ phần DaBaCo, nuôi 3.000 con lợn thương phẩm. Ngoài ra trồng hơn 1 ha măng tây và nhiều cây ăn quả, rau màu ngắn ngày khác.
Anh Hải tâm sự: “Mặc dù nuôi gia công, tiền giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… do Công ty bỏ vốn, song vì chăn nuôi quy mô lớn nên gia đình phải đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Riêng khu xử lý chất thải, hầm bioga để bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như sử dụng làm khí đốt gia đình tôi đầu tư mất hơn 1 tỷ đồng”. Là một mô hình mới đi vào hoạt động từ tháng 4-2014 nhưng sự bài bản và chuyên nghiệp thể hiện ngay từ khâu quy hoạch, xây dựng bước đầu đã đem lại hiệu quả khả quan. Anh vừa xuất bán hơn 200 tấn lợn hơi, thu lãi 400 triệu đồng. Hiện tại, trang trại gia đình anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Anh dự kiến trong tháng 6 sẽ hoàn thành 6 dãy chuồng nâng tổng số đầu lợn lên 6.000 con. Theo tính toán của anh Hải nếu quy mô nuôi 6.000 con thì trung bình mỗi năm xuất bán 1.200 - 1.500 tấn lợn.
Còn ở thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, nhiều người biết đến anh Nguyễn Đức Kỳ như một biểu tượng của ý chí làm giàu. Cũng xuất phát từ chính sách của tỉnh quyết định cấm không cho các lò gạch thủ công hoạt động, địa phương khuyến khích các hộ, nhóm hộ đấu thầu và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với vốn tự có anh Kỳ vay thêm Agribank huyện 300 triệu đồng đấu thầu gần 4,5 ha đất bãi ven sông quy hoạch xây dựng mô hình VAC tổng hợp. Gia đình dành 1 ha chuyên trồng màu (ngô, cà rốt), 1,5 ha trồng chuối còn lại đào 2 ao nuôi thả cá và xây chuồng trại thường xuyên nuôi 50-60 con lợn thương phẩm, 20 con bò. Ngoài ra anh còn có 3 xe tải làm dịch vụ.
Anh Kỳ thổ lộ: “Cấy lúa, trồng màu thì đã quá quen thuộc với người nông dân nhưng nuôi bò là điều không đơn giản (vốn đầu tư lớn). Bởi vậy, tôi phải tìm đến các cơ sở chăn nuôi bò lớn ở Quảng Nam, Nghệ An... tìm mua con giống và học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh, ngoài ra tôi còn tích cực tham gia các lớp tập huấn của địa phương, từ đó áp dụng vào thực tế...”. Đáp lại nỗi vất vả của người nông dân thuần chất này, sau bao năm dày công cải tạo, san lấp mặt bằng, kéo đường điện, xây lắp hệ thống cung cấp nước tưới đến nay gia đình anh đã có mùa quả ngọt. Chỉ tính riêng chăn nuôi bò anh cũng thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thời điểm này, 1 ha cà rốt đã đến kỳ thu thu hoạch. Hết vụ cà rốt, anh chuyển sang trồng ngô, quỹ đất không ngừng nghỉ vụ nọ gối vụ kia, màu xanh trù phú cứ thay nhau đơm hoa kết trái. Vào thời vụ, anh thuê hàng chục lao động về làm.
Nhờ có kinh nghiệm sản xuất, vốn đầu tư, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và khát vọng làm giàu của chính những người con quê hương đã phủ lên vùng đất phục hóa màu xanh trù phú, tốt tươi. Đây là hướng đi mới phù hợp với vùng đất bãi và là động lực để nhiều hộ, nhóm hộ ở các xã ven đê trên địa bàn tỉnh nhân rộng cải tạo, quy hoạch thành vùng chuyên canh cây, con có giá trị kinh tế cao.
Lê Thanh - Hà Linh/Báo Bắc Ninh