Những con số báo động với người hút thuốc lá
Nhiều người thường có thói quen hút thuốc lá trong khi làm việc |
Theo thống kê đến năm 2030, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người Việt Nam và con số này sẽ tăng thành 70.000 người mỗi năm nếu không giảm số người hút thuốc lá.
Con số tại bệnh viện K chứng minh từ năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%.
Nghiên cứu năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật.
Các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng: Trong khi tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% năm 1976 xuống còn 19,8% năm 2010 thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm gia tăng từ 42,6% năm 1976 lên 71,6%.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc.
Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ, có 56% người hút thuốc bắt đầu hút trước tuổi 20, tính tổng thể có khoảng 15 triệu người Việt Nam hàng ngày vẫn vô tư hút thuốc lá như một thứ không thể thiếu.
Cho rằng hút thuốc để giải tỏa stress là cách nhìn nhận sai lầm. Bởi trong khói thuốc lá chứa hơn 7000 loại hoá chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy: Cứ hút 1 điếu thuốc thì người hút đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Người hút thuốc sẽ có tuổi thọ trung bình ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm. Tác hại thuốc lá làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch…
Một trong những thành phần có trong thuốc lá là nicotin – hóa chất làm ảnh hưởng tâm trạng. Sau khi hút thuốc, chất này sẽ truyền tới não trong vài giây. Nó kích thích hệ thần kinh trung ương và khiến người hút cảm thấy tràn đầy sinh lực tạm thời, khiến người ta cảm thấy như mình đã thoát khỏi stress và hoàn toàn có thể quay trở lại làm việc.
Khi hiệu ứng này lắng xuống, người hút sẽ cảm thấy mệt mỏi và thèm hơn. Hút thuốc nhiều dần dần sẽ dẫn đến nghiện. Tuy nhiên, những người hút thuốc lại không nhận ra nguy cơ này, nên nếu một điếu thuốc không đủ thỏa mãn họ thì họ sẽ tăng liều lên cho đến khi đạt được cảm giác sảng khoái.
Vô hình chung, những người hút thuốc đã “dọn đường” cho bệnh tật xâm chiếm cơ thể. Trong khi đó, để cai nghiện thuốc lá, quá trình cai nghiện có thể gây suy giảm chức năng nhận thức và khiến người hút trở nên lo âu, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, dễ bị kích động, chán nản nên nhiều người không đủ quyết tâm để bỏ thuốc lá hoặc dễ hút trở lại.
Hút thuốc thường xuyên trong một thời gian dài sẽ làm cho phổi mất khả năng lọc các hóa chất độc hại khiến những độc tố này nằm lại trong phổi làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Khi hút thuốc lá, mắt cũng bị ảnh hưởng làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể và thị lực kém. Nó cũng có thể làm giảm vị giác và khứu giác, vì vậy, người hút sẽ mất cảm giác với thực phẩm.
Khi nicotin được hít vào cơ thể, nó khiến cho mạch máu bị co lại, cản trở lưu thông máu. Hút thuốc làm giảm hàm lượng cholesterol tốt và tăng huyết áp, có thể gây giãn động mạch và tích tụ cholesterol xấu gây tình trạng xơ vữa động mạch. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông từ đó tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Về lâu dài, những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư máu cao hơn...
Đối với các trường hợp phụ nữ hút thuốc lá trong thời kỳ có thai có thể khiến thai nhi giảm trọng lượng, sinh non, băng huyết sau sinh, dễ sẩy thai, gia tăng tần suất sinh ra thai nhi bị bất thường bẩm sinh. Với người đang cho con bú: nicotine được thải qua sữa có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Đặc biệt đối với nam giới hút thuốc lá có thể bị suy nhược sinh dục, thậm chí liệt dương. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng vô sinh và rối loạn cương dương ở nam giới.
Đối với hệ thần kinh, khói thuốc lá làm giảm số lượng các tế bào thần kinh trong não, làm suy giảm trí nhớ.
Khói thuốc lá còn gây ung thư môi, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư bàng quang và thận, ung thư cổ tử cung…