Những cổ vật độc đáo trong ngôi nhà cổ trăm tuổi ở vùng "Sapa Quảng Ninh"
Huyện Bình Liêu có 96% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó, người Tày là đông nhất (62%). Những năm gần đây, Bình Liêu ngày càng được du khách biết đến.
Các địa danh như Cao Xiêm, Cao Ba Lanh, Sông Moóc, Khe Vằn đã trở nên quen thuộc với dân du lịch “phượt”, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, miền đất được ví như “Sapa của Quảng Ninh” này có ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá quý giống như “trầm tích” không phải ai cũng biết.
Trong nghiên cứu về văn hoá bất cứ dân tộc nào, các nhà dân tộc học Việt Nam đều rất quan tâm đến nhà ở. Cũng đúng thôi, bởi nhà ở là nơi chứa đựng toàn diện nhất về đời sống sinh hoạt, quan hệ gia đình, dòng tộc, thân thế, phương thức sống, sản xuất đến tín ngưỡng, phong tục của một tộc người. Ngày nay, do đời sống kinh tế phát triển, những ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng ít đi, thậm chí trở thành quý hiếm. Ngôi nhà của ông Phan Ngọc Sinh ở bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô (Bình Liêu) là một trong số đó.
Những cổ vật độc đáo
Chiếc ghế độc đáo khung gỗ, dát bằng tre. |
Nhờ chị Hoàng Gái (Trung tâm Truyền thông - Văn hoá huyện Bình Liêu) dẫn đường, tôi đến thăm căn nhà của ông Sinh vào chiều muộn. Căn nhà nằm yên bình xung quanh là những ruộng lúa xanh mởn và những ruộng dong riềng đang mùa trổ hoa. Phong cảnh như tranh vẽ. Chỉ có điều, con đường dẫn vào nhà ngoằn ngoèo, chạy qua những bờ ruộng lại nhỏ xíu chỉ 1 người đi xe máy, luống cuống là chỉ có nước chống chân xuống ruộng. Chủ nhân ngôi nhà - ông Phan Ngọc Sinh năm nay 64 tuổi đang sinh sống cùng vợ và một người em gái là bà Phan Thị Tươi, 61 tuổi.
Ngôi nhà gồm 3 gian, 1 trái, 2 gian bếp được xây liền một khối. Riêng 3 gian chính được xây cao hơn, có gác gỗ, cầu thang. Tổng cộng, ngôi nhà có 10 phòng, đủ chỗ sinh hoạt cho một đại gia đình. Toàn bộ tường nhà được xây bằng “gạch” đất luyện dày gần 20cm, vữa là bùn, mái lợp ngói âm dương màu xám. Gian giữa xây thụt vào, có 1 cửa chính. Hai gian bên cạnh, mỗi gian có 1 cửa sổ phía trước và 1 cửa sổ phía sau. Trên gác gỗ, phía trước có hàng chấn song gỗ cao hơn 1m, bên trong, gian giữa dùng để thờ cúng tổ tiên, hai gian bên có thể dùng làm nơi ngủ hay chứa các vật dụng của gia đình. Với một ngôi nhà trên mái ngói âm dương, tường đất như thế nên không lạ khi vào mùa đông thì rất ấm và mùa hè rất mát.
Những vật dụng cũ kỹ vẫn được gia đình ông Sinh gìn giữ. |
Ông Sinh cho biết, ngôi nhà được xây dựng từ thời ông nội ông, tới nay đã khoảng 100 năm. Toàn bộ “gạch” xây nhà được lấy từ các ruộng xung quanh, ngói cũng được lấy từ ruộng, gia đình tự đắp lò nung. Năm 1969, gia đình có tu sửa lại, phá bỏ sàn và từ đó đến nay không sửa lại gì. Bố mẹ ông Sinh sinh được 7 anh chị em, mình ông là nam. Gia đình đông người nhưng nhà rộng rãi nên sinh hoạt cũng thoải mái. Năm 1979, trong cuộc chống chiến tranh xâm lược biên giới, đã từng có 1 trung đội đến đóng, nghỉ nhờ ở nhà ông mà không chật chội gì.
Đáng chú ý, bên trong ngôi nhà trăm tuổi, ông Sinh còn giữ được rất nhiều vật dụng gia đình đã trở thành đồ cổ như chiếc đấu gỗ đong thóc gạo thời kỳ hợp tác xã những năm 1960, nghiên mài mực, giỏ bắt cá, bàn là “con gà”, khuôn làm đậu phụ bằng gỗ, những bộ phận của khung dệt vải... Một trong vật dụng độc đáo đó là 1 trường kỷ (ghế dài) khung bằng gỗ, vách và mặt ghế làm bằng tre đập dập ghép lại kê trong phòng khách. Thời gian đã in màu nâu bóng lên chiếc ghế nhưng nó còn rất vững chắc.
Điểm đến cho du lịch?
Giống như nhiều gia đình người Tày khác, gian bếp là một trong những nơi sinh hoạt chính của gia đình. Không gian sinh hoạt của đại gia đình từ thời ông nội vẫn được ông Sinh sử dụng, dù gia đình hiện chỉ có 3 người sinh hoạt. Góc bếp là bếp lò to dùng để nấu cám cho gia súc, kế đó là chạn bát, chiếc mâm gỗ chữ nhật, 6-7 ghế gỗ. Tường bếp nhuốm khói đen. Vật hiện đại nhất hiện diện trong bếp có chăng là chiếc bếp và bình ga.
Toàn cảnh ngôi nhà cổ của ông Phan Ngọc Sinh. |
Ông Sinh tâm sự, ông bà sinh được 3 con trai, 3 con gái, đứa làm du lịch ở Tuần Châu, đứa ở Đầm Hà, đứa trên thị trấn, đứa ở bản bên cạnh. Hàng tuần, các con được nghỉ vẫn tranh thủ về thăm bố mẹ, gia đình có dịp quây quần. Gia đình ông hiện có 2ha rừng hồi, quế, 6.000m2 ruộng. Hàng ngày, ông bà bận bịu lên rừng, ra ruộng.
Ông Sinh cho biết, giờ các con đã định cư nơi khác, bản thân ông đã 64 tuổi nên ông cũng không có ý định làm nhà kiên cố, mái bằng như nhiều gia đình vẫn làm. Vì vậy, ông vẫn ở và gìn giữ ngôi nhà của cha ông để lại. Trăm tuổi nhưng ngôi nhà vẫn bền vững, có chăng thỉnh thoảng phải thay những viên ngói bị vỡ để chống dột. Hiện ở Bình Liêu không còn các lò nung ngói âm dương nên lỡ có viên ngói nào vỡ, ông phải đi tìm mua của những nhà phá nhà cũ đi để về giặm lại. Khi tôi hỏi nếu như huyện hay doanh nghiệp nào đó có cơ chế hỗ trợ, phối hợp để du khách đến tham quan, trải nghiệm ngôi nhà cổ của mình, ông Sinh cười, cho biết ông sẵn sàng. Để làm được việc đó, ông bảo chỉ cần sửa lại con đường vào nhà ông sao cho rộng rãi hơn.
Chiều buông. Tôi đứng từ khoảng sân rộng rãi nhà ông Sinh phóng tầm mắt về phía thị trấn Bình Liêu. Ngút tầm mắt là màu xanh của núi, đồng ruộng. Tiếng ngan, vịt quạc quạc đòi ăn chiều nghe đậm tiếng quê. Tôi chợt hình dung, nếu tour du lịch được kết nối tới đây, hẳn du khách sẽ rất thích thú khi được khám phá ngôi nhà này.
Cận cảnh ngôi nhà nhìn chính diện. |
Dù là tường đất nhưng đã bao năm, ngôi nhà vẫn vững chãi. |
Gian bếp là một trong những nơi sinh hoạt chủ yếu của gia đình. |
Cầu thang dẫn lên tầng 2 được làm bằng gỗ lim. |
Nơi thờ tổ tiên là phòng chính giữa, tầng 2 ngôi nhà. |
Nguồn: Báo Quảng Ninh
Theo thời gian, cùng với sự giao lưu, tiếp biến văn hoá diễn ra khá mạnh mẽ, những ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, của đồng bào Tày nói riêng ở Bình Liêu đã không còn nhiều, hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bình Liêu đang định hướng phát triển du lịch, vấn đề bảo tồn nhà truyền thống còn mang ý nghĩa tạo ra sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng, sẽ là điểm nhấn khi du khách đến khám phá và trải nghiệm văn hoá Bình Liêu. Huyện đã quan tâm và dành nguồn lực để bảo tồn những ngôi nhà truyền thống, nằm trong tổng thể không gian văn hoá của một dân tộc. Hiện nay huyện đang tiến hành triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tộc người Tày ở bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô. Theo đó, những ngôi nhà truyền thống còn lại ở bản Đồng Thanh sẽ được gìn giữ...
Tô Đình Hiệu (Phó Giám đốc Trung tâm TT-VH Bình Liêu)