Những chủ ngân hàng xuất thân từ nghề giáo
|
Nhà băng có đội ngũ lãnh đạo nhiều người xuất thân từ giáo viên nhất phải kể đến Ngân hàng Á Châu (ACB). Từ cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập, trưởng ban kiểm soát, phó tổng giám đốc đến giám đốc các phòng giao dịch, chi nhánh... đều có xuất thân là giáo viên. Ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB từng có thời gian là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980). Cơ duyên với ACB của ông Hùng bắt đầu từ những năm 1990, khi ông nhìn ra cơ hội lúc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại. Vốn có kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng cùng các bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh. |
|
Tại ACB, không khó để tìm ra những gương mặt lãnh đạo xuất thân từ nghề giáo. Phó tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại cũng là một giảng viên tại đại học Kinh tế TP.HCM những năm 1978 đến 1984 và 1991 đến 1993. Bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Á Châu từ năm 1994, đến nay, ông Toại đã có 18 năm gắn bó với nhà băng này. Được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc, ông Nguyễn Thanh Toại cũng được giao trọng trách là người phát ngôn chính thức của ACB với truyền thông, báo chí. Phó tổng giám đốc ACB là người ghi dấu ấn với cách nói chuyện cởi mở, thân thiện. |
|
Nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB, ông Trịnh Kim Quang cũng có 10 năm (1978-1988) làm giảng viên đại học Kinh tế TP.HCM. Sau khi rời trường, ông Quang làm việc thêm 2 năm tại Công ty vàng bạc đá quý SJC sau đó đến 1993 tham gia vào ACB, nằm trong danh sách thành viên sáng lập và đảm đương nhiều vị trí cốt cán khác như phó chủ tịch HĐQT, thành viên Ủy ban nhân sự, thành viên Hội đồng đầu tư. |
|
Một CEO cũng nổi tiếng khi chuyển từ nghề giáo sang làm ngân hàng là Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình. Gắn bó với ngân hàng này từ những năm đầu thành lập, ông Bình cho biết, khó khăn lớn nhất khi chuyển nghề “tay ngang” khi chưa có chuyên môn sâu về tài chính ngân hàng, song nhờ mày mò tự tìm hiểu những "ma trận" của kinh doanh tài chính, ông cũng đưa Ngân hàng Đông Á trở thành một nhà băng lớn, hoạt động ổn định. Theo chia sẻ của CEO DongABank, tinh thần tôn sự trọng đạo của Việt Nam khiến cho nghề giáo mặc nhiên khi bước lên bục giảng thì được tôn trọng. Song khi thầy giáo chuyển sang làm kinh doanh sẽ bị nhìn vào trước hết bởi hành động và kết quả. |
|
Trong những cái tên CEO nữ chuyển từ nghề giáo sang làm ngân hàng, không thể không nhắc tới Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaiGonBank) Trần Thị Việt Ánh. Bà Ánh đã từng có thời gian giảng dạy tại đại học Ngân hàng TP.HCM, từng đảm đương vị trí Phó chủ nhiệm khoa Kế toán ngân hàng. Năm 1994, bà chuyển về SaiGonBank và 10 năm sau, bà được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc. Tổng giám đốc SaiGonBank chia sẻ, với người lãnh đạo ngân hàng, ngoài năng lực quản lý, chuyên môn giỏi còn cần có cái tâm với công việc. “Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, mỗi quyết định của người đứng đầu đều có ảnh hưởng tới hoạt động của cả bộ máy, thậm chí nếu người lãnh đạo cùng đưa ra quyết định mang tính cá nhân thì còn có nguy cơ gây ra những hệ lụy lớn”. |
Lan Anh (Tổng hợp)