Những cây cầu từ sức dân
Chỉ một thời gian ngắn, ba cây cầu được hình thành. Từ khi có cầu mới, học sinh đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Cây cầu sắt bắc qua kênh Đào. |
Cây cầu đoàn kết
Chỉ một thoáng đi bộ, ông Trịnh Hoài Bắc, thôn Đanh đã sang được bờ kênh trên cây cầu vừa mới xây dựng. Vịn tay vào lan can, ông Bắc phấn khởi cho biết: "Việc xây cầu là ý nguyện của gần 30 hộ dân trong thôn. Mỗi hộ đóng góp hơn một triệu đồng để mua vật liệu. Công lắp đặt, vận chuyển sắt thép đều do người dân tự nguyện góp sức. Mặc dù vậy, tổng chi phí cũng tới gần 50 triệu đồng".
Theo ông Bắc, trước đó, do đường đi của thôn là đường đất nên mỗi khi mưa xuống lầy thụt, đã vậy muốn sang bờ kênh bên kia phải đi đường vòng rất bất tiện. Có thời điểm mưa nhiều, người dân không thể vận chuyển nông sản đi bán. Nhiều học sinh đi học bị trượt chân ngã bẩn quần áo phải về nhà thay dẫn đến muộn học.
Trong khi đó, tuyến đường bên kia kênh vừa được trải nhựa phẳng phiu, thoáng rộng, thuận tiện khi đi lại. Trước thực trạng trên, không quản ngại khó khăn, một số hộ trong thôn dùng cây gỗ đóng cọc làm cầu tạm qua kênh; có gia đình gom thùng phi ghép lại làm cầu phao. Chỉ trong thời gian ngắn, đoạn kênh hơn một cây số có tới ba cây cầu “mọc” lên giúp việc đi lại của các hộ dân thôn Đanh và khu vực lân cận thuận lợi hơn.
Cây cầu bằng sắt được đầu tư gần 50 triệu đồng. |
Những điều cần quan tâm
Thực tế cho thấy, việc bắc cầu qua kênh bên cạnh cái lợi cũng đặt ra những điều cần quan tâm. Trước hết, do ghép bằng thùng phi nên cầu phao vừa nhỏ, đi lại bập bềnh, hai đầu cầu không có đường để phương tiện cá nhân lên xuống. Cạnh đó, cây cầu gỗ mặc dù mặt cầu rộng hơn, trụ được làm bằng cọc gỗ khá chắc chắn, bề mặt ghép ván gỗ nên đi xe đạp, xe máy qua lại dễ dàng. Tuy vậy, do ván gỗ kê dốc, lại không có lan can, tiềm ẩn nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Cây cầu sắt được đầu tư gần 50 triệu đồng với ưu điểm mặt cầu rộng gần 2 m, hai bên có lan can, là điểm qua lại chủ yếu của người dân trong thôn.
“Ngay sau khi các hộ dân làm cầu, UBND xã đã cử cán bộ kiểm tra, qua đó yêu cầu các hộ dỡ bỏ cầu phao vì không an toàn và cản trở dòng chảy của kênh. Hiện trên tuyến kênh Đào qua khu vực thôn Đanh chỉ còn hai cây cầu là cầu sắt và cầu gỗ do người dân tự bắc qua kênh", ông Thân Ngọc Toản, Chủ tịch UBND xã Minh Đức nói.
Ông Trần Văn Thìn, cán bộ địa chính - xây dựng xã Minh Đức khẳng định: "Có cầu mới, người dân thôn Đanh dễ dàng hơn khi qua kênh. Nhưng do các trụ làm bằng gỗ và sắt, lại liên tục dưới nước dẫn đến hạn chế độ bền, đòi hỏi các hộ cần thường xuyên bảo dưỡng, tu sửa để tăng thời gian sử dụng". Được biết, cùng với hướng dẫn kỹ thuật, vừa qua UBND xã Minh Đức phối hợp với ngành chức năng kiểm tra tác động của hai cây cầu này đối với dòng chảy của kênh. Bước đầu cho thấy không có sự chênh lệch mực nước giữa phía trên và dưới trụ cầu. Tuy nhiên nếu không thường xuyên vệ sinh thu dọn, rác thải có thể bám vào trụ cầu ảnh hưởng đến dòng chảy, nhất là vào mùa mưa bão.
Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, trong khi chính quyền địa phương chưa có hình thức hỗ trợ kinh phí thì việc nhiều hộ dân thôn Đanh vận động nhau đóng góp công sức, tiền của làm cầu qua kênh là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên nếu trước khi thực hiện có sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền xã Minh Đức cũng như hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn thì việc làm cầu sẽ bảo đảm được các yêu cầu về kỹ thuật và độ bền vững, đồng thời tránh được đầu tư dàn trải, tốn kém không cần thiết.
Thanh Hải/Báo Bắc Giang