Những bác sĩ 'nhà báo' tay ngang
Họ là những bác sĩ nhưng cũng là những "nhà báo" tay ngang xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong suốt những tháng, năm Việt Nam căng mình đối diện với chủng vi rút SARS- CoV- 2.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
Vốn là Giám đốc BV K Hà Nội, sau khi được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng chưa lâu thì ông cũng như lãnh đạo Bộ Y tế phải đối diện với đại dịch Covid- 19 tấn công trên toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Ông cũng thường xuyên xuất hiện trên báo chí với tư cách “chuyên gia” và “nhà báo” tay ngang để nói về tình hình dịch bệnh, về những chính sách, về những thói quen cần thay đổi.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn tại một cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ. |
Đó có thể đơn giản là những “bất cập” cần thay đổi ngay trong những chuyến thị sát của Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khi ông chứng kiến tâm lý chủ quan ở một số khu cách ly và cả nhân viên đang thực thi nhiệm vụ chống dịch.
Ví dụ, có người không đeo khẩu trang ở khu bắt buộc trong khu cách ly; người đang cách ly cạnh phòng nhau giao tiếp tương đối thoải mái; có người không nắm vững quy trình, quy phạm phòng dịch.
Ngay sau đó, ông đã phải đăng đàn trước truyền thông về những thói quen “xấu” khiến cho công cuộc chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Ông cho biết: “Chúng tôi đã phải làm việc rất kỹ với họ, rằng lỗ nhỏ đắm thuyền to. Và sẽ thực sự nghiêm trọng nếu có lây nhiễm trong khu cách ly, lây nhiễm cho những người làm nhiệm vụ cách ly, rồi lây ra ngoài cộng đồng. Trong phòng dịch và y tế, có những việc rất nhỏ cũng có thể phải trả giá rất đắt.
Mỗi khi nhà nước ra các chỉ thị chống dịch, đa số người dân chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng không phải tất cả. Có những người vẫn cố gắng nấn ná, miễn được việc cho mình. Có người vẫn đưa người qua biên giới trái phép chỉ vì vài triệu đồng; hoặc có người cố ra đường giải quyết công việc khi chưa hết thời hạn cách ly tại nhà... Những việc nhỏ như vứt khẩu trang bẩn xuống vệ đường, nhổ nước bọt, kéo khẩu trang xuống cho dễ chịu; thậm chí có người còn không nỡ bỏ vài cuộc vui. 5K dán khắp mọi nơi, nhưng vẫn có người thiếu tự giác thực hiện....
Hôm qua, chỉ vài trường hợp không tuân thủ cách ly tại nhà sau khi hoàn thành cách ly tập trung đã khiến hệ thống phòng chống dịch hôm nay phải kích hoạt ở mức cao nhất. Cả hệ thống chính trị và người dân đang phải gồng mình chống dịch trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn”.
Chỉ ra những tồn tại này, Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn: “Chỉ với thay đổi nhỏ trong suy nghĩ, ta cũng có thể kiềm chế dịch bệnh trên diện rộng, cứu sinh mạng hàng trăm người, ngay cả khi Việt Nam chưa đủ vắc xin”.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, ĐBQH khoá XIV, XV
Vốn là một bác sĩ chuyên ngành tim mạch, nhưng dưới góc nhìn của người quản lý (Giám đốc bệnh viện), một vị đại biểu dân cử, PGS. TS. BS Nguyễn Lân Hiếu không chỉ dẫn đầu những đoàn cán bộ y bác sĩ đi hỗ trợ cho tuyến dưới, rồi lại hối hả quay về bệnh viện nơi ông giữ vai trò "thuyền trưởng". Bận rộn như vậy, nhưng ông luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí, thậm chí viết bài đăng báo về những gì ông cảm thấy cần lên tiếng trong công cuộc chống dịch.
Đó là những bài viết ngay từ những ngày đầu Việt Nam đối diện với nguy cơ dịch bùng phát, đó là bài báo tổng kết về “Năm Covid-19 đầu tiên”. Ở đó, ông cho biết: "Với tư cách một bác sĩ, tôi và những nhân viên y tế được gọi là "người trong cuộc", càng không bao giờ có thể quên "năm đầu thời Cô vy" - một năm đầy biến động với nghề”.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu tại nghị trường Quốc hội |
Ông nhớ cảnh những đoàn bác sĩ, điều dưỡng lao đi trong đêm, tiến vào tâm dịch ở miền Trung; các video hướng dẫn phòng chống dịch, lấy mẫu tỵ hầu lan đi nhanh không kém.
Không chỉ xuất hiện trên báo chí, truyền thông với những thông tin thuận chiều về tình hình dịch, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng không ngại ngần đưa ra những quan điểm thẳng thắn trên tinh thần xây dựng với mong muốn bảo vệ được hệ thống y tế, nhân viên y tế vốn đã trải qua nhiều đợt dịch căng thẳng trước đó.
Đó là khi chỉ từ ngày 27/4 đến 10/5, tức 14 ngày kể từ khi tái xuất hiện đợt dịch thứ 4, đến nay dịch Covid-19 đã “loang” gần 30 tỉnh, thành trên cả nước.
Tại Hà Nội, thời điểm số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, đặc biệt từ hai ổ dịch bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và bệnh viện K cơ sở Tân Triều, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lúc ấy đã đề xuất Hà Nội nên cân nhắc giãn cách xã hội ngắn ngày.
Gần đây nhất, khi việc tiêm vắc xin được coi như “cứu cánh” trong công cuộc chống dịch, nhiều đơn vị doanh nghiệp đã tìm mọi cách để có vắc xin một cách sớm nhất, thì chính PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng lại lên tiếng cảnh báo về “vắc xin hàng chợ”.
Ông cho rằng, các doanh nghiệp nội và cả FDI đang chủ động tìm nguồn cung vắc xin nhằm hỗ trợ Chính phủ là nỗ lực rất đáng trân trọng bên cạnh góp tài chính cho Quỹ vắc xin. Tuy nhiên, chưa nhà sản xuất vắc xin nào có kế hoạch phân phối sản phẩm thương mại tung ra thị trường.
Vì vậy, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo các doanh nghiệp không nên tìm nguồn vắc xin gián tiếp. Nếu mua gián tiếp, không rõ nguồn gốc, chúng ta có thể gặp những nguy cơ như vắc xin hết hạn bảo quản mà chưa được sử dụng.
Ông cũng cho rằng “không nên quá lo”, bởi với những cam kết Chính phủ Việt Nam đạt được cho đến hôm nay, nguồn vắc xin dự kiến sẽ đủ cho đại bộ phận dân chúng để hướng tới miễn dịch cộng đồng. Và quan trọng, nói "không" với những chào mời vắc xin hàng "xách tay", vì đó là thứ tuyệt đối không nên mua ở chợ đen.
Thạc sĩ Ngô Đức Hùng, một bác sĩ nhiều năm công tác tại khoa Hồi sức Cấp cứu BV Bạch Mai (A9) là cây bút hài hước, hóm hỉnh trên mạng xã hội nhưng không kém phần sắc sảo khi chuyển tải những thông tin về y tế tới người dân.
Trong những đợt dịch vừa qua, dù được tăng cường đến các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang chống dịch, anh vẫn có những bài viết cung cấp thông tin hữu ích cho cộng đồng.
“Nhật ký Covid-19” là ví dụ điển hình như thế. Chỉ sau 4 tiếng phát hành, 1.500 bản sách (đặt trước) đã hết.
Trước đó, Ngô Đức Hùng cũng đã xuất bản 2 cuốn “Để yên cho bác sĩ hiền” và “3 phút sơ cứu” được công chúng háo hức đón đọc.
BS Ngô Đức Hùng hướng dẫn cho các bác sĩ tuyến cơ sở. |
Trong cuốn sách mới nhất, anh đã hệ thống ngắn gọn các thông tin chuẩn về dịch bệnh từ thời điểm bắt đầu xuất hiện đến hiện tại.
Nhiều lần bác sĩ Hùng lên án nạn kỳ thị nở rộ cùng virus.
Anh từng khẳng định: “Không có bệnh nhân số 17 này cũng sẽ có số 17 khác. Nếu nhìn một cách tích cực, bệnh nhân số 17 đã giúp cả hệ thống phòng dịch vốn tập trung kiểm soát con đường lây nhiễm từ biên giới phía Bắc, nhận ra sự lỏng lẻo trong quản lý phòng dịch với làn sóng tràn về từ châu Âu. Nhờ đó mà công tác cách ly người từ nước ngoài hình thành quy trình chặt chẽ hơn”.
Không chỉ viết sách với phong cách "rất Ngô Đức Hùng" - đanh đá, ngoa ngoắt nhưng không kém phần hài hước, lầy lội - bác sĩ trẻ này cũng hay dùng Facebook là “kênh” truyền tải những thông tin y học bổ ích.
Mỗi lần đăng đàn Facebook, những chia sẻ của anh đều thu hút vài ngàn tới hàng chục ngàn lượt like. Anh Hùng từng bị gọi là “dư luận viên y tế”, nhưng với anh, mang lại những kiến thức khoa học về lĩnh vực y tế chuẩn xác đến cho mọi người mới là điều ý nghĩa.
N. Huyền (tổng hợp)