Nhức nhối tình trạng thương lái “lén lút” vứt lợn chết gây ô nhiễm môi trường
Trong điều kiện nắng nóng, chăm sóc kém, nên nhiều con lợn đã bị chết. Thiếu bãi chôn lấp, nhiều thương lái vứt trộm xác lợn chết xuống bờ đường, dòng suối khiến môi trường bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Lợn chết bị thương lái vứt trộm tại khu vực suối Củn, thuộc địa phận xã Ngũ Lão (Hòa An), gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Sáng 16/5/2016, tại khu vực từ km 3 đến km 7 đoạn suối Củn, thuộc địa phận 2 xóm Bản Gủn, Khuổi Hân, xã Ngũ Lão (Hòa An), chúng tôi phát hiện 19 con lợn chết, mỗi con nặng khoảng 80 - 100 kg bị vứt bỏ lại ven đường, mùi hôi thối phát tán khắp nơi. Theo một người dân xã Ngũ Lão đang chăn trâu ở gần đó, tình trạng vứt lợn chết ở khu vực này đã xuất hiện từ 4 tháng nay, lợn chết vứt lung tung, ô nhiễm môi trường khiến một số người dân không dám đi qua khu vực này.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Lão Nông Văn Đình xác nhận: Thương lái chở lợn đã lợi dụng đường vắng vứt lợn chết lại bên đường và dưới khe suối. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến tại địa bàn xã Ngũ Lão. Chính quyền xã đã báo cáo huyện, đồng thời huy động dân quân chôn lấp, tránh phát sinh các ổ bệnh trên đàn gia súc của người dân. Nhưng tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều, trong khi kinh phí của xã lại hạn hẹp nên không có kinh phí để chôn lấp, xử lý môi trường.
Không chỉ tại khu vực xã Ngũ Lão, trên địa bàn tỉnh, nhiều khu vực cũng chịu chung tình cảnh. Cụ thể: Ngày 9/4/2016, thương lái đổ hơn 50 con lợn chết ra khu vực xã Khánh Xuân (Bảo Lạc); ngày 13/5/2016, thương lái cũng rải 29 con lợn chết từ chân đèo lên đến đỉnh đèo Khau Mòn, thuộc xã An Lạc (Hạ Lang). Ngoài ra, còn rất nhiều khu vực khác cũng bị vứt trộm lợn chết như các xã: Bạch Đằng (Hòa An), Việt Chu (Hạ Lang), phường Sông Bằng (Thành phố)… Khu vực thương lái hay vứt lợn chết nhất là xã Ngũ Lão (Hòa An) - nơi có dòng suối Củn chảy về thành phố Cao Bằng. Điều này có nghĩa, lợn chết không chỉ gây ô nhiễm môi trường ở đây, mà còn có nguy cơ phát tán mầm bệnh dịch đi nhiều nơi khác.
Để tìm hiểu về hoạt động xuất khẩu lợn, chúng tôi có mặt tại xóm Nặm Thúm, xã Ngọc Chung (Trùng Khánh), nơi trước đây xe chở lợn xuất bán sang Trung Quốc hoạt động nhộn nhịp, nhưng nay hoạt động mua bán lợn gần như ngừng hẳn. Trên bãi tập kết xe ở gần biên giới vắng tanh không một bóng người, thỉnh thoảng lác đác có một xe chở lợn đến, nhưng chỉ một lát sau lại phải quay đầu chở lợn ngược lại nội địa. Những người dân ở khu vực này cho biết: Từ đầu năm cho đến tháng 4, Trung Quốc tăng giá thu mua lợn hơi lên đến 55 nghìn đồng/kg. Do lợi nhuận cao, thương lái thu gom lợn từ các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ ồ ạt chở về Cao Bằng để xuất bán sang biên giới. Nhưng gần đây, giá lợn giảm dần xuống còn 45 nghìn đồng/kg sau đó dừng hẳn, không mua nữa. Lợn không bán được, mỗi ngày mất rất nhiều tiền thức ăn và công chăm sóc, nhưng đàn lợn vẫn chết dần, chết mòn trong sự nuối tiếc, xót xa của thương lái. Mỗi con lợn chết, thương lái mất từ 4 - 5 triệu đồng. Khi lợn chết không có chỗ chôn, thương lái vứt trộm ra đường.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc các thương lái vứt trộm lợn chết ra ven đường, bờ sông, suối, gây ô nhiễm môi trường, mà nghiêm trọng hơn, “đục nước béo cò”, một số lò mổ lại đem lợn chết về mổ, chế biến, tuồn ra thị trường kiếm lợi nhuận cao khiến cho sức khỏe người dân bị nguy hại. Ngày 14/4/2016, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phát hiện 4 con lợn thương phẩm đã mổ phanh không còn nội tạng trong tình trạng thịt đã thâm đen, bốc mùi hôi thối tại nhà bà Nghiêm Thị Thuyết, sinh năm 1979, quê ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), đang tạm trú tại tổ 12, phường Đề Thám (Thành phố). Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số lợn thương phẩm nói trên. Bà Thuyết khai báo: 2 con lợn mổ sẵn lấy từ xe ô tô biển kiểm soát có đầu số 88 (Vĩnh Phúc); 2 con lợn còn lại là của ông Nghiêm Hồng Dương lấy từ xe ô tô biển kiểm soát 22C-03955. Đây là những con lợn ốm, phía Trung Quốc không mua nên chủ hàng chở về tiêu thụ tại Thành phố. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tịch thu toàn bộ số thực phẩm bẩn để đem đi tiêu hủy; yêu cầu bà Thuyết và ông Dương dừng ngay hoạt động giết mổ gia súc; tổ chức tiêu hủy số tang vật nói trên, đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ những sai phạm để xử lý theo pháp luật. Trước đó, ngày 6/4/2016, Phòng Cảnh sát môi trường cũng đã lập biên bản đối với ông Phan Văn Thành, chủ cơ sở giết mổ gia súc trái phép tại tổ 12, phường Đề Thám (Thành phố) vì tiêu thụ lợn ốm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, ngày 26/4/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống của ông Thành, tiếp tục phát hiện 2 con lợn thương phẩm đã mổ phanh không còn nội tạng trong tình trạng thịt đã thâm đen, trong bụng ướp đá lạnh. Ngoài ra, rất nhiều nội tạng lợn đã bị thâm đen, bốc mùi hôi thối được treo trong nhà.
Trong vụ hàng chục xác lợn chết bị một doanh nghiệp xuất khẩu lợi dụng đêm tối đổ trộm trên địa bàn xã Khánh Xuân (Bảo Lạc) ngày 9/4/2016, phần lớn những xác lợn đã bị chính người dân địa phương chia nhau, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả việc bán ra thị trường và để ăn. Rõ ràng, bên cạnh các biện pháp để khắc phục tình trạng vứt trộm lợn chết, công tác kiểm dịch đối với sản phẩm thịt lợn đang tiêu thụ của ngành chức năng gặp nhiều khó khăn; còn có vấn đề quan trọng là ở ý thức của thương lái, chủ cơ sở kinh doanh, ý thức của mỗi người tiêu dùng. Đây là lý do khiến hằng ngày, lợn chết bốc mùi hôi thối bị vứt trộm vẫn xảy ra, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; thịt lợn không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn hằng ngày len lỏi vào bữa ăn của người dân!
Thua thiệt vì xuất lợn sang Trung Quốc không còn là vấn đề mới mẻ, rất nhiều nông sản khác của Việt Nam cũng bị Trung Quốc ép giá khiến cho đời sống người dân lao đao khốn khó. Nếu không tính được bài toán lâu dài, buôn bán có hợp đồng ký kết, chắc chắn người nông dân và thương lái sẽ còn gặp khó vì thị trường xuất khẩu quá phụ thuộc vào Trung Quốc!
Theo Hoàng Thu/Báo Cao Bằng