Nhọc nhằn thợ vải
Thu nhập từ bẻ, đóng vải, làm đá thuê khá lớn nhưng người lao động cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, rủi ro…
Thu hoạch vải thiều dưới trời nắng gắt. |
Làm một vụ thu nhập bằng cả năm
Anh Trần Đức Hanh, thôn Thái Hòa, xã Phúc Hòa (Tân Yên) có hơn 1 ha vải, năm nay ước thu khoảng 10 tấn quả nói: "Trước kia, khi chưa có dịch vụ thuê nhân công thu hoạch vải thiều, cứ đến những ngày này gia đình tôi lại lo đến mất ăn, mất ngủ. Họ hàng cũng chỉ giúp được dăm bữa mà để lâu thì vải xuống mã, mất giá. Nay thì tôi chỉ cần gọi điện liên hệ có từ 10 đến 15 lao động sẽ đến làm ngay. Gia đình đỡ vất vả, thu hoạch nhanh và thuận lợi hơn”.
Theo một số thương nhân tiêu thụ vải thiều thì thời điểm này nhu cầu lao động lớn nên tìm người không dễ. Hiện nay, giá thuê lao động bẻ vải dao động từ 150 đến 200 nghìn đồng/người/ngày, ngoài ra thợ vải còn được chủ vườn phục vụ ăn uống. Chị Phạm Thị Thúy, xã Ngọc Lý (Tân Yên) cho biết: "Diện tích đất canh tác của nhà tôi giờ chẳng còn bao nhiêu, rảnh rỗi nên thường đi phụ vữa kiếm thêm thu nhập. Đến mùa thu hoạch vải thiều, chúng tôi lại tập hợp từ 5 đến 7 chị em thành một nhóm đến Cao Thượng hay Phúc Hòa bẻ vải thuê”.
Trao đổi với một số chị em trong nhóm chị Thúy được biết, thông thường trong nhóm có 1 đến 2 người phải trèo cây, bẻ quả và gánh vải từ trên đồi xuống dưới chân là vất vả nhất bởi họ phải vận động nhiều trong thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, để kịp chuyến bán sớm, các lao động này phải dậy từ rất sớm để bẻ vải. Mỗi người có thể bẻ được từ 1,5 đến 2 tạ vải thiều/ngày. Cá biệt có những lao động khỏe, quen việc có thể bẻ được hơn 2 tạ/ngày. Ăn tiêu tiết kiệm mỗi vụ một người cũng dành ra được từ 5 đến 7 triệu đồng.
Gánh vải thiều từ trên đồi xuống là một trong những công đoạn khó khăn trong thu hoạch vải thiều.
Đối với những người lao động được thuê làm đá hay đóng vải thiều thì tiền công cao hơn vì tính theo năng suất lao động. Hiện một người lao động được thuê làm đá hay đóng vải có thể kiếm được từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ngày.
Anh Nguyễn Văn Thảo, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương), người đã có gần 10 năm làm nghề đóng vải thuê tại Lục Ngạn cho biết: "Hàng năm, tôi cùng gần chục lao động khác lại tập trung đến phố Kim, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) để đóng vải thuê. Mỗi lao động lành nghề như chúng tôi có thể đóng được 1,5 đến 2 tấn/ngày. Hiện các chủ hàng thường khoán từ 500 đến 700 nghìn đồng/tấn. Nếu làm nhanh có thể được thưởng thêm”.
Nghề đóng vải không phải dậy sớm, leo đồi, trèo cây nhưng phải làm việc qua trưa hay có những hôm phải làm đến tối, khuya để kịp chuyển hàng vào Nam hay sang Trung Quốc. Một lao động đóng vải thiều nếu làm liên tục thì hết vụ có thể kiếm được hơn 20 triệu đồng. Đây là một khoản tiền khá lớn đối với người lao động, thậm chí tương đương với cả năm làm nông nghiệp.
Và những rủi ro…
Đối với lao động là người địa phương thì có thể sáng đi, tối về, ăn uống, nghỉ ngơi tại nhà. Lao động từ nơi khác đến "đầu quân” cho chủ vườn hay điểm cân nào thì ăn, ngủ ngay tại đấy. Nhưng do việc thu hoạch vải thiều có tính chất mùa vụ, một năm mới có một lần lại trong thời gian ngắn nên thường các chủ điểm cân hay chủ vườn không đầu tư xây dựng khu vực ăn ở cho người lao động mà tận dụng nhà kho, thậm chí ngay tại phòng khách của gia đình. Có giường ngủ là tốt, không thì trải chiếu, ngủ đất, có lúc 7 người cũng chỉ có 2 cái chiếu, nóng bức khó chịu vô cùng. Ăn uống thì nhà chủ ăn gì mình ăn nấy.
Nghiền nước đá đóng gói vải thiều - công việc nặng nhọc, nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, mọi khó khăn trong sinh hoạt thì người lao động đều có thể khắc phục nhưng những rủi ro trong lao động mới thật sự khó lường. Đã có một số trường hợp người lao động khi leo cây, bẻ vải, vác đá bị ngã gãy tay, gãy chân hay bị bỏng lạnh, loét da thịt vì tiếp xúc nhiều với nước đá.
Khi được hỏi tại sao không sử dụng găng tay khi đóng vải, anh Thảo cho biết: "Không phải chúng tôi không muốn dùng găng tay mà do đá rất trơn, nếu dùng găng tay dễ bị rơi, hỏng. Hơn nữa, nếu sử dụng găng tay thì giảm năng suất lao động. Với những việc khoán công như đóng vải thì năng suất giảm, thu nhập cũng sẽ giảm theo. Thôi thì mình cố gắng một thời gian, sau này lại tính tiếp”.
Nhọc nhằn là vậy nên dù biết là có thu nhập khá song không ít lao động đóng vải hay làm đá chỉ "theo” được khoảng một tuần hay nửa tháng là phải nghỉ dưỡng sức.
Nhìn những thanh niên lực lưỡng đang đóng vải hoặc vác đá đi phăm phăm kia, có lẽ ít ai biết rằng, trên cơ thể họ có bao nhiêu vết thương do ngã, va đập, bao nhiêu vết bỏng, loét do đá lạnh… Thường thì khi không may xảy ra tai nạn, hai bên tự thỏa thuận, bù đắp bằng tiền. Vất vả, cực nhọc là vậy song hàng nghìn lao động thời vụ vẫn không quản ngại, trở thành lực lượng quan trọng góp phần hỗ trợ người làm vườn thu hoạch đúng thời vụ, tiêu thụ vải thiều thuận lợi.