Nhọc nhằn nghề “cạo da hà bá”
Lũ nhỏ, ít hến đồng
Trên dòng kênh Chà Và (Châu Thành), cha con ông Đoàn Văn Hướng (tư Hướng, 46 tuổi) ghị chặt chiếc cán cào để xúc từng vợt hến đồng. Năm nay lũ nhỏ, ông Hướng cũng như những bạn cào hến bị thất mùa. Còndọc tuyến kênh Mặc Cần Dưng và các nhánh kênh số 5, số 7, số 9 (thuộc địa phận huyện Châu Thành), tấp nập ghe xuồng cào hến. Những năm qua, các dòng kênh ở huyện Châu Thành được xem là “mỏ hến” để người dân khai thác, kiếm thu nhập tương đối ổn định. Ngồi trên chiếc xuồng “năm quăng”, tư Hướng cứ “xê dịch” cán vợt (dài khoảng 7m). Lâu lâu, ông kéo lên, hến dính đầy vợt. Tư Hướng quê ở xã Bình Long (Châu Phú), vào thời điểm giữa mùa lũ là cả gia đình tư Hướng giong chiếc xuồng “năm quăng” đến các dòng “kênh hến” để khai thác. Nghề cào hến đã gắn chặt với gia đình tư Hướng hàng chục năm trời. Nhờ có kinh nghiệm nên tư Hướng biết rất rõ những dòng kênh nào có nhiều hến. Tư Hướng cho biết: “Chúng tôi xem những dòng “kênh hến” là điểm tựa để mưu sinh. Nhờ có hến, bà con nghèo có thu nhập quanh năm”.
Cào hến bằng tay |
Nhà ít đất sản xuất, lại đông nhân khẩu nên tư Hướng chọn nghề cào hến làm kế sinh nhai. Tư Hướng bộc bạch: “Không có nghề này, chắc tụi tui đi Bình Dương hết rồi. Năm nay lũ nhỏ, hến đồng theo các con kênh giảm khoảng 50% so với các năm trước. Hiện tại, mỗi ngày tui cào được khoảng 400-500kg hến. Trung bình 15kg hến nguyên vỏ đem luộc cho ra 3kg hến thịt. Bạn hàng thu mua 20.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, tui bỏ túi gần 400.000 đồng”.
Chộn rộn trên từng “mỏ hến”
Sáng sớm, có mặt tại kênh Mặc Cần Dưng, hàng chục chiếc xuồng đậu san sát nhau, kẻ ngâm mình hì hục cào, người ngồi trên xuồng lựa hến, tạo nên khung cảnh vui nhộn cả khúc kênh. Ngồi trước đầu chiếc xuồng “tam bản”, ông Đoàn Văn Quốc Em (ngụ thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) kéo lên từng mẻ hến, dạo sạch đất, rồi đổ hến vào khoang xuồng. Công việc cào hến của vợ chồng Quốc Em thật đều tay. Nếu hôm nào khai thác trúng ngay “mỏ hến” thì niềm vui của vợ chồng họ nhân lên gấp bội. Quốc Em trần tình: “5 giờ sáng đem cơm nước theo xuồng, rồi chạy đến các tuyến kênh bắt đầu buông tay cào cho đến 3 giờ chiều thì chở hến về nhà. Nhờ nghề cào hến tôi đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình”.
Hiện nay, ngoài cào bằng tay, bà con nghèo còn trang bị loại cào bằng máy công suất lớn, thu hoạch được nhiều hến. Ông Trần Văn Thái (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, đã đầu tư 2 chiếc cào máy, ông thu hoạch từ 25-30 giạ hến/ngày (1 giạ khoảng 20kg). “Bà con ở miệt Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ lên tận đây cào bằng máy nhiều lắm! Cào máy thu hoạch được gấp đôi, gấp ba lần cào tay. Một chiếc cào tay chỉ 1 người lựa hến là đủ. Còn cào máy phải có 3 người lựa hến mới kịp. Dân nghèo thường nói vui, nghề “nạo da bà thủy”- nghề hạ bạc chứ có dư dả gì…”- ông Thái ví von.
Sáng sớm, trên 50 xuồng, ghe lớn nhỏ khắp nơi chen chúc nhau cào hến tại các dòng kênh. Nhiều hôm, xuồng, ghe đậu dày đặc dưới kênh để cào hến. “Nếu tính sơ sơ, mỗi ngày có trên 50 đầu xuồng cào hến tại các con kênh này. Bình quân, một đầu xuồng thu hoạch từ 10-15 giạ hến/ngày. Nghề cào hến làm quanh năm, nhưng trúng nhất là vào thời điểm mùa nước nổi kéo dài cho đến Tết. Thời điểm này, hến đồng được tiêu thụ mạnh, bà con nghèo có thêm thu nhập. Còn năm nay, sản lượng hến giảm rất nhiều, dân nghèo thất thu” - ông Thái bí xị.
Ngoài dân “bản địa”, trên các dòng “kênh hến” còn có dân nghèo tứ xứ, thuộc các tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre đến đây mưu sinh. Năm nào cũng vậy, hễ đến mùa nước rút là họ canh theo con nước rủ nhau cào hến. Hết mùa, trở về quê ăn Tết bên gia đình. “Nghề cào hến cũng lắm vất vả, gian nan. Hôm nào cào trúng thì có thu nhập khá, còn hôm nào cào thất thì coi như đói. Ngoài ra, nghề này đòi hỏi phải đi xa mới có hến để cào. Mùa này, thời tiết lạnh, nhưng anh em tụi tôi ráng mần kiếm tiền ăn Tết…”- anh Nguyễn Văn Nòng, quê ở Vĩnh Long bày tỏ.