NHNN hoãn thi hành Thông tư 02 đến tháng 6/2014
Ngày 27/05/2013, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, thời gian hiệu lực thi hành quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 02 sẽ được điều chỉnh từ ngày 01/06/2013 sang ngày 01/06/2014.
NHNN cho biết, việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Thông tư 02 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thêm thời gian chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đầy đủ Thông tư 02.
Trong khoảng thời gian 1 năm đến khi Thông tư 02 có hiệu lực thi hành, các TCTD và ngân hàng nước ngoài vẫn phải tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và Đề án xử lý nợ xấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
So với những quy định hiện hành về trích lập dự phòng, xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Quyết định 493 và một số văn bản pháp luật sửa đổi Quyết định 493 thì Thông tư 02/2013/TT-NHNN bộc lộ những thay đổi lớn và tác động rất mạnh đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Thứ nhất, đối tượng “tài sản có” được yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro rộng hơn như: tiền mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, thẻ tín dụng, ủy thác cấp tín dụng, tiền gửi liên ngân hàng; tỷ lệ khấu trừ tối đa với tài sản bảo đảm quá thận trọng (khoản 6, điều 12) khi tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm là bất động sản lên tới 50%, làm cho giá trị thế chấp cùng với dự phòng khoản vay tăng thêm.
Thứ hai, để đề phòng sai lệch số liệu phân loại nhóm nợ giữa các tổ chức tín dụng đối với cùng một khách hàng, có thể dẫn đến sai lệch số liệu phân loại nợ giữa các tổ chức tín dụng đối với Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC); giữa tổ chức tín dụng với nhau khi phân loại nợ cùng một khách hàng, Thông tư 02 yêu cầu kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng do tổ chức tín dụng phân loại phải được điều chỉnh theo kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng có mức độ rủi ro cao hơn tại các tổ chức tín dụng khác. Đồng thời, mỗi quý một lần, tổ chức tín dụng phải gửi kết quả phân loại nợ và cam kết ngoại bảng cho CIC.
Thứ ba, những đơn vị nào áp dụng phương pháp phân loại định tính thì phải kết hợp thêm phương pháp định lượng, phương pháp nào mang lại số liệu có độ rủi ro cao hơn thì chọn phương pháp đó.
Minh Hằng